Trụ sở UBND xã Tiến Xuân (trái) và cổng UBND huyện Thạch Thất (phải)
Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất nằm phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là một xã với địa hình bán sơn địa, nhiều đồi gò. Những năm gần đây, địa bàn này đang bị nhiều doanh nghiệp và “đất tặc” liên tục san ủi, đào bới lấy đất để bán làm vật liệu công trình. Việc quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, xác minh, thậm chí có thể là “tiếp tay” cho những đối tượng này hoạt động là những vi phạm không chỉ dừng lại ở cán bộ cấp xã, mà cả cán bộ cấp huyện?
Nhìn lại vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm tại thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất gần đây, rất nhiều người dân và báo chí đã vào cuộc bức xúc trước tình trạng bán đất, xẻ đồi của doanh nghiệp khai thác trái phép trên phần đất của hộ dân (ông Tạ Văn Hải - chủ thửa đất số 01, tờ bản đồ số 68, sổ đỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp ngày 19/02/2020) với diện tích trên 3,6 ha. Đáng nói là, việc khai thác trái phép này đã có sự xác nhận đầy đủ của chính quyền cấp xã, cấp huyện. Mục đích san gạt là để chủ thửa đất có mặt bằng sạch để xây nhà và trồng cây ăn quả.
Đất đồi đang bị xẻ thịt tại thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân
Khi được hỏi và yêu cầu đưa ra các giấy tờ cấp phép, ông Tạ Văn Hải – chủ sở hữu thửa đất trên đưa cho phóng viên (PV) rất nhiều văn bản như: Đơn đề nghị cải tạo đất và đăng ký thi công; Công văn chấp thuận đề nghị cải tạo san gạt mặt bằng của UBND huyện Thạch Thất và rất nhiều văn bản, báo cáo có liên quan về phương án san gạt, cải tạo mặt bằng.
Đây là một bộ hồ sơ san gạt đất có đầy đủ chữ ký, xác nhận của chính quyền cấp xã, cấp huyện, với nội dung và mục đích san gạt vô cùng chính đáng. Tuy nhiên, thật “lạ lùng” khi khối lượng đất đồi rất lớn kia không hề được nhắc đến hay kê khai cụ thể trong các văn bản báo cáo của UBND xã Tiến Xuân. UBND huyện Thạch Thất cũng không yêu cầu cơ sở báo cáo chi tiết thực trạng đất đồi và khối lượng đất sẽ bị san gạt. Thậm chí, chính cán bộ chủ chốt cấp huyện, ông Nguyễn Mạnh Hồng – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất lại là người đã phê bút trên Đơn đề nghị cải tạo đất và đăng ký thi công của ông Tạ Văn Hải, ghi rõ: “chuyển phòng TNMT xem xét tham mưu”.
Đơn đề nghị cải tạo đất và đăng ký thi công của ông Tạ Văn Hải có chữ viết tay của ông Nguyễn Mạnh Hồng – Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất và Công văn số 184/UBND-TNMT ký ngày 05/02/2021 của UBND huyện Thạch Thất chấp thuận cho san gạt
Phần đất đồi nằm trên diện tích 3,6ha được ước tính lên đến vạn khối, sau khi được san gạt sẽ đi về đâu. Qua quá trình điều tra xác minh, đất đồi sau khi bị “xẻ thịt” đã bị mang đi bán trái phép làm vật liệu cho các công trường. Như vậy, phương án sử dụng đất sau khi san gạt hoàn toàn sai khác với nội dung ghi trong các thỏa thuận và báo cáo giữa chủ thửa đất và chính quyền cấp xã. Khối lượng đất rất lớn, giá trị bán ra hàng tỷ đồng sẽ thuộc về ai: Chủ thửa đất hay doanh nghiệp khai thác? Pv cũng đặt câu hỏi: “Liệu có sự tiếp tay ngầm của cán bộ chính quyền cấp xã, huyện trong vụ việc này hay không?”
Hình ảnh xác minh các xe tải chở đất đi từ thôn Bãi Dài đến các đại công trường trên địa bàn Hà Nội và biển một công trình đang sử dụng vật liệu đất trái phép này
Có thể nói, một loạt các hành động lách luật nhằm xẻ thịt đất đồi một cách “tinh vi” của chủ thửa đất và doanh nghiệp khai thác tại thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân khiến chúng ta phải đặt ra rất nhiều nghi vấn. Trước thực trạng trên, PV Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý đã đặt lịch hẹn gặp ông Đinh Công Long – Chủ tịch UBND huyện Tiến Xuân và lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất trong tháng 03/2021 để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, nhưng đến nay lãnh đạo chính quyền cấp xã và huyện vẫn lần nữa khất hẹn, không sắp xếp được lịch tiếp báo chí với lý do không có thời gian và “rất bận rộn”.
Chúng ta đều biết, đất cũng là một loại khoáng sản tự nhiên. Để được cấp phép khai thác khoáng sản thì phải thực hiện thủ tục và hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên môi trường và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010.
Đối với trường hợp tại xã Tiến Xuân, theo quy định pháp luật, bắt buộc ông Tạ Văn Hải cần phải gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT). Sau khi tiếp nhận, Sở TNMT sẽ có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực cấp phép khai thác, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và tổ chức thẩm định hồ sơ. Sau khi hoàn thành thẩm định, Sở TNMT trình hồ sơ hoàn thiện cho UBND thành phố Hà Nội xem xét và ra quyết định cấp hoặc không cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho đơn vị. Điều đáng lưu ý trong bộ hồ sơ cấp phép chính là cần thể hiện rõ mốc tọa độ ranh giới khai thác rõ ràng, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo quyết định phê duyệt; Phương pháp thi công và bồi hoàn xử lý ô nhiễm (nếu có).
Những sai phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thạch Thất xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và Luật, thiếu kiểm tra, thiếu quản lý chặt chẽ của những người làm công tác quản lý. Và cội nguồn dẫn tới những sai phạm chính ở cơ chế tổ chức, quản lý điều hành cấp xã không nghiêm minh, thiếu trách nhiệm của những cá nhân làm công tác quản lý các cấp.
Sự quản lý kém hiệu quả này đang làm thất thu của nhà nước một khoản tiền thuế không nhỏ và chảy máu trầm trọng nguồn tài nguyên đất của thành phố. Báo chí đã phát hiện và đưa tin xác minh, đáng để UBND huyện Thạch Thất làm rõ sai phạm tại thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân.
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo huyện Thạch Thất và phòng Tài nguyên và môi trường huyện và sau rất nhiều ngày văn phòng UBND huyện mới ra thông báo có bút phê của chủ tịch UBND huyện đề nghị phòng Tài nguyên môi trường tiếp phóng viên rồi sự việc tiếp rục rơi vào im lặng. Đến nay, sau nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp phóng viên vẫn không thể đặt được lịch làm việc với phòng tài nguyên môi trường?!
Yêu cầu UBND huyện Thạch Thất thanh tra, xác minh lại việc thực hiện cải tạo mặt bằng của thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân; phòng Tài nguyên Môi trường và UBND xã Tiến Xuân cần kiểm tra và xử lí vi phạm của hộ dân ông Tạ Văn Hải trong quá trình thực hiện cải tạo mặt bằng theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đề xuất UBND thành phố Hà Nội sớm vào cuộc, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, công an thành phố và các sở ngành liên quan thanh tra kiểm tra, xác minh làm rõ mục đích các hoạt động khai thác sử dụng đất trên địa bàn huyện Thạch Thất và xã Tiến Xuân, sớm trị dứt điểm các hoạt động xẻ thị đất đồi trên địa bàn.
Nhóm PV