Tìm sự mới mẻ từ những điều xưa cũ
Nhiều năm qua, hàng loạt dự án đã được các tổ chức, cá nhân triển khai, nhằm mang tranh Hàng Trống đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều hình thức tiếp cận khác nhau. Thành quả lớn nhất các dự án làm hồi sinh tranh Hàng Trống đem lại là hình ảnh mới mẻ của đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi đình cổ kính, chứng nhân cho những sự đổi thay của phố Hàng Trống và dòng tranh cùng tên cả trăm năm qua không chỉ có những bức tranh trên giấy dó của nghệ nhân Lê Đình Nghiên mà xen vào đó còn có những bức tranh Hàng Trống làm từ chất liệu sơn mài của những họa sĩ trẻ. Sự đổi thay này là thành quả của chuyến hành trình “Từ truyền thống tới truyền thống”.
Chuyến hành trình ấy được khởi động bằng những câu chuyện kể của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông Nghiên kể về Hà Nội, về Hàng Trống, về phố, về tranh. Qua đó, những tác phẩm tranh Hàng Trống bỗng chốc trở nên gần gũi hơn trong mắt người nghệ sĩ trẻ. “Khi được đối thoại trực tiếp với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, tôi hiểu rõ hơn về tranh dân gian Hàng Trống” - Hà Anh, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ những thông tin, kiến thức được tiếp nhận, qua lăng kính hội họa của một nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tranh Hàng Trống đã hòa hợp với tranh sơn mài - chất liệu đặc sắc của hội họa Việt Nam, cũng là một đích đến trong chuyến hành trình. Trong một xưởng tranh, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật đã đưa 2 dòng tranh tưởng chừng như có sự đối ngược với nhau hòa lại thành một. Trái tim của những người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đắm say với giá trị truyền thống đã đem những điều tưởng chừng như không liên quan ấy lại gần với nhau. Tuy nhiên, không có chuyến đi nào là dễ dàng, hành trình đưa những họa tiết của tranh Hàng Trống đến gặp nghệ thuật sơn mài cũng đầy rẫy khó khăn. “Khó khăn đầu tiên là tìm nguồn tài liệu. Tôi đã tìm trên mạng nhưng hình ảnh không rõ nét, trong khi những họa tiết trên tranh Hàng Trống có những nét rất điêu luyện. Khi có được tài liệu để vẽ, việc thể hiện tinh thần trên tranh Hàng Trống cũng gặp khó khăn vì đây là dòng tranh lâu đời, tranh có nhiều chi tiết” - Trương Hoàng Hải, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tâm sự.
Mặc dù có những hạn chế nhất định - do hoàn cảnh lịch sử, môi trường địa lý và đặc điểm tâm lý thị dân, nhưng dòng tranh Hàng Trống vẫn có những đóng góp đáng kể vào kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Một lần tôi vẽ tranh cho một khách hàng ở sát biên giới. Bạn biết đó, ở đấy thì tranh Trung Quốc thống trị. Thế nhưng, người ta vẫn tìm về cội nguồn, đặt và muốn treo một bức tranh Hàng Trống trong nhà. Điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi. Tranh Hàng Trống vẫn còn cơ hội được biết đến và tiếp nối.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên
Nguồn KT&ĐT
http://kinhtedothi.vn/hoi-sinh-tranh-tet-hang-trong-408754.html