Đây là đánh giá của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công -Trưởng ban đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (Ban II), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai công tác cuối năm 2022 của Ban II diễn ra chiều 12/7.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cải cách thủ tục hành chính là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.
Kết quả điều tra PCI 2021 mà VCCI công bố ngày 27/4/2022 vừa qua nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính ở nước ta tiếp tục được cải thiện đáng kể. Có 75% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”; 74% doanh nghiệp đánh giá rằng “thủ tục giấy tờ đơn giản” hơn trước…
Một trong những kết quả nổi bật về cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp. Qua điều tra của VCCI, có 57% doanh nghiệp cho biết việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, góp phần vào những thành công ấy là những đóng góp quan trọng của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Các đơn vị thành viên Ban II cơ bản đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thời gian vừa qua, nhiều vấn đề nóng, liên quan tới việc xây dựng và triển khai các thủ tục hành chính tiếp cận các gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 đã được thành viên của Ban triển khai.
Các thành viên của Ban đã kiên trì đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành nhiều kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, thuận lợi hoá các thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành…
Không chỉ các hoạt động ở cấp Trung ương và liên quan tới chính sách vĩ mô, thành viên Ban II đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ở cấp địa phương. Bộ Nội vụ có hoạt động công bố chỉ số PAR Index, SIPAS để đánh giá cải cách thủ tục hành chính và hài lòng của người dân đối với các tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua cũng có các chương trình giám sát thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương trong nhiều ngành trong đó có thuế và hải quan.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vai trò của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nói chung và Ban II nói riêng rất quan trọng.
Nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2022 và năm 2023 rất lớn, nặng nề, cần tập trung vào một số trọng tâm như rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính của chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ và nhanh chóng kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có liên quan có điều chỉnh kịp thời. Thủ tục hành chính không được là rào cản, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động cần phải được tiếp cận tốt nhất, dễ dàng nhất các chương trình hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động phản biện, góp ý chính sách đặc biệt liên quan đến thủ tục hành chính thông qua việc tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập, các hoạt động thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt thời gian tới tập trung vào các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thanh tra… Chuyển tải ý kiến cộng đồng doanh nghiệp tới quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Tiếp tục triển khai đánh giá các thủ tục hành chính quan trọng, “nóng”, liên quan đến đông đảo doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục về lao động, đăng ký kinh doanh, đầu tư, thanh tra, kiểm tra, nhóm thủ tục liên ngành về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường …
Đồng thời, phải chủ động và tích cực trong thực hiện các sáng kiến pháp luật, tổng hợp thông tin từ thực tế để đề xuất các phương án ban hành văn bản pháp luật mới cần thiết; nhanh chóng sửa đổi hay bãi bỏ các quy định pháp luật gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp và người dân.