1. Hoàng thành Thăng Long
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là cái tên không thể bỏ lỡ trong danh sách các điểm đến lý tưởng mỗi dịp Tết đến xuân về ở Hà Thành. Ở đây, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa Tết Việt, có những trải nghiệm đặc biệt thú vị.
Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội, là công trình kiến trức đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
2. Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám là điểm đến thu hút nhiều người đến tham quan, du xuân và đặc biệt là xin chữ đầu năm. Mỗi năm, ở đây thường diễn ra các hoạt động du xuân truyền thống với hàng trăm gian hàng xin - cho chữ, tấp nập người ra vào.
Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu đã trở thành truyền thống lâu đời và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thủ đô. Sau khi vãn cảnh tại các khu vực tham quan trong Văn Miếu như đi qua Khuê Văn Các vào khu Thái học, sân Bái đường, tham quan Vườn bia Tiến sĩ, khu tưởng niệm... mọi người có thể xin chữ lấy may, hoặc tham gia các hoạt động vui xuân tổ chức tập trung trong khu vực.
3. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Chương trình Tết là một trong những hoạt động thường niên của bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Hàng năm, đông đảo người dân, du khách tại Hà Nội đều có những trải nghiệm đón Tết du xuân đầy thú vị tại bảo tàng.
Ở đây thường diễn ra các hoạt động vui xuân - khám phá những giá trị văn hóa tinh thần, vật chất thông qua các hoạt động trình diễn, làm đồ chơi và chơi trò chơi dân gian của một số dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều góc check-in độc đáo, mới lạ cũng được xây dựng tại Bảo tàng để thu hút du khách.
4. Phố đi bộ Hà Nội
Phố đi bộ Hà Nội quanh Hồ Gươm là một trong những điểm nhấn du lịch của Thủ đô, là nơi để mọi người hẹn hò, vui chơi, đặc biệt du xuân trong những ngày đầu năm mới.
Nhiều hoạt động mang tính cộng đồng diễn ra tại đây đã thu hút và hấp dẫn được rất nhiều du khách tham gia. Đặc biệt, hòa chung không khí đón Tết Nguyên đán, không gian phố đi bộ tại Hà Nội đều được trang hoàng lộng lẫy bằng các mô hình thiết kế đa dạng, nhiều màu sắc khiến không khí lễ hội thêm tưng bừng.
5. Lễ hội Gò Đống Đa
Gò Đống Đa là di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn tại Hà Nội. Hàng năm, vào dịp đầu xuân nhằm tưởng nhớ những chiến công oanh liệt, đánh giặc cứu nước của vị vua Quang Trung, lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch thu hút du khách đến tham gia vui chơi.
Đến lễ hội du xuân, du khách được xem những hoạt động cực kỳ thú vị tại phần hội, điển hình là tiết mục sử thi tái hiện hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn, thưởng thức các tiết mục múa lân, múa sư tử đặc sắc, tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn…
6. Lễ hội Gióng Sóc Sơn
Du xuân trẩy hội, đi lễ hội Gióng là hoạt động quen thuộc đầu năm mới của nhiều người. Lễ hội độc đáo với quần thể di tích đền, chùa đan xen giữa không gian núi non, rừng thông xanh ngát, tạo thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút hàng nghìn du khách đến Sóc Sơn, Hà Nội mỗi dịp đầu năm.
Hội Gióng đền Sóc thường diễn ra từ ngày 6-8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, với đầy đủ các nghi lễ rước hương hoa oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, cầu húc… Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi.
7. Hội làng Triều Khúc
Lễ hội làng Triều Khúc thường diễn ra từ 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch với lễ rước sắc Phùng Hưng mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, mừng ngài đăng quang, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.
Không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Tham dự lễ hội, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng 5 điệu múa nổi bật là múa rồng, múa lân, múa sinh tiền, múa bồng và múa chạy cờ.