Quý I huy động 108.000 tỷ đồng
Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa công bố kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2023. Theo đó, cơ quan này dự định phát hành 400.000 tỷ đồng (gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông qua hình thức đấu thầu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Trong quý đầu tiên của năm, KBNN dự kiến phát hành 108.000 tỷ đồng. Hôm qua (ngày 1.2), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu thầu 3 đợt trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu 10,5 nghìn tỷ đồng, gồm: 1 đợt đấu thầu 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm; 2 đợt đấu thầu kỳ hạn 10 và 15 năm đều có giá trị gọi thầu là 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước, năm 2023, thị trường trong nước và quốc tế còn nhiều biến động khó lường, nhiều thách thức với công tác huy động vốn trái phiếu Chính phủ của KBNN. Trong bối cảnh đó, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ được điều hành theo phương châm chủ động, hiệu quả, theo sát diễn biến thị trường, tình hình thu ngân sách và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách trung ương. Lãi suất phát hành sẽ phù hợp với định hướng điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ. Kỳ hạn phát hành được đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư để thúc đẩy thanh khoản của thị trường, tăng khả năng huy động vốn và hỗ trợ phát triển thị trường vốn.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) ước tính danh mục trái phiếu Chính phủ hiện tại có kỳ hạn còn lại là 10,02 năm với mức lãi suất trung bình 4,03%/năm. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất vẫn đang tăng, sẽ rất khó để duy trì được mặt bằng lãi suất và hạn còn lại thấp như năm 2022. Do đó, VCBS không loại trừ khả năng KBNN sẽ tiến hành phát hành những kỳ hạn ngắn hơn nhằm tối đa hóa lợi ích trong từng thời kỳ.
Huy động vốn linh hoạt, hiệu quả
Có thể thấy kế hoạch huy động vốn trái phiếu Chính phủ năm 2023 bằng với kế hoạch ban đầu của năm 2022 và cao gấp đôi kết quả thực hiện được. Cụ thể, đầu năm 2022, KBNN dự kiến phát hành 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến hết ngày 20.12.2022, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành chỉ đạt hơn 203.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,41%/năm.
Nhu cầu vay của ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua là 648.000 tỷ đồng, cao hơn 10% so với nhu cầu năm 2022, bao gồm cả nhu cầu vay thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Lý giải diễn biến này, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước cho biết, năm 2022, thị trường tài chính, tiền tệ trên thế giới và trong nước biến động mạnh. Lạm phát gia tăng tại các nước trên thế giới và đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm khiến ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ các nước tăng mạnh... Ở trong nước, thị trường chứng khoán lao dốc, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại căng thẳng đi ngược với bối cảnh kinh tế vĩ mô duy trì ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Theo đó, thị trường trái phiếu Chính phủ của nước ta bị tác động mạnh, mặt bằng lãi suất tăng….
“Trước bối cảnh đó, KBNN đã phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, phù hợp với khả năng thu của ngân sách trung ương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, duy trì hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, góp phần bảo đảm an toàn, bền vững nợ công”, ông Lưu Hoàng cho biết.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước, trong năm 2022, hoạt động thị trường trái phiếu Chính phủ được duy trì thường xuyên, bảo đảm khả năng huy động vốn của ngân sách trung ương và làm tham chiếu cho thị trường vốn.