Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, năm 2022 có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong đó, khoảng 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Theo nhận định từ các cơ quan khí tượng quốc tế, chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so với giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Năm 2022 có thể là năm thứ tám liên tiếp có nhiệt độ đã vượt quá 1 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.
Thống kê cho thấy, năm 2022 cũng ghi nhận mùa bão đến sớm trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Khi trung bình ngày xuất hiện cơn bão đầu tiên năm 2022 trên Tây Bắc Thái Bình Dương là ngày 14/4. Nhưng vừa qua, ngày 6/4, Tây Bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận xuất hiện cơn bão đầu tiên là bão Malaska và đến ngày 9/4 tiếp tục có bão Megi.
Năm nay, ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã xuất hiện bão sớm hơn một tuần. Tại Việt Nam, mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa ở Bắc Bộ có xu hướng cao hơn, đặc biệt từ tháng 6-8 với đỉnh lũ báo động 1-2.
Ông Khiêm cho rằng, năm 2022 diễn biến thiên tai sẽ cực đoan, bất thường và trái quy luật. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có thể ít hơn trung bình nhiều năm nhưng thường sẽ là bão mạnh tác động đến đất liền.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho hay, cuối tháng 3/2022 đã xuất hiện đợt mưa lớn ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ do tác động tổ hợp hình thái không khí lạnh và vùng áp thấp, hình thái này không xa lạ đối với khu vực Miền Trung xuất hiện vào đầu năm như thế này thì rất hiếm gặp. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu làm cho thiên tai cực đoan ngày càng bất thường và trái quy luật.
Dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021, nhưng ở khu vực vùng núi Tây Bắc, khu vực vùng núi phía Tây của miền Trung, do ảnh hưởng của thấp nóng và gió phơn, nên có thể xảy ra tình trạng khô nóng gay gắt gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, cũng như nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, dự báo bão năm nay ít, tuy nhiên càng ngày bão càng mạnh trái với quy luật nên không được chủ quan và cần chủ động ứng phó.
Tổng lượng mưa năm nay dự báo nhiều hơn trung bình nhiều năm chứng tỏ mưa có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; mưa lũ có khả năng mức trên báo động 3 tại khu vực miền Trung, bên cạnh đó mưa lớn kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá.
Liên quan đến tình hình thiên tai năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, để chủ động ứng phó với thiên tai, trước hết phải đổi mới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.
“Chúng ta sẽ cùng cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, về tài sản thấp hơn năm 2021”, Phó Thủ tướng đặt quyết tâm.
Theo số liệu thống kê, thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay đã làm 61 người chết, mất tích, 35 người bị thương; 121 nhà sập; 2.372 nhà hư hỏng, tốc mái; 166.452ha lúa, hoa màu ngập úng. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 3.875 tỉ đồng.
Cũng theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xảy ra 70 trận mưa lớn, 74 trận dông lốc, 24 vụ sạt lở bờ sông, 107 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Nhận định về diễn biến thời tiết trong thời gian tới, trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Trần Quang Năng cho biết trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm, nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.
"Thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, do vậy từ tháng 6 đến tháng 7-2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn. Chính quyền các cấp và người dân cần tiếp tục đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét và lưu ý thời kỳ cao điểm mưa bão đang đến nên phải có những biện pháp chủ động trong ứng phó ngay từ bây giờ", ông Trần Quang Năng nhấn mạnh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mekong để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.