Dự án này do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ được ưu tiên triển khai tại vùng ĐBSCL, dự kiến được thực hiện từ 2023 – 2025, nhằm nâng cao năng lực thể chế của cơ quan Việt Nam về rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; hỗ trợ lựa chọn và thực hiện các giải pháp tài chính và bảo hiểm phòng ngừa rủi ro khí hậu, thiên tai, phục vụ hệ thống cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL.
Đại diện tổ chức GIZ đã trình bày các ý tưởng để thực hiện dự án, đồng thời đề xuất các yêu cầu khảo sát thực tế để thu thập dữ liệu liên quan đến hiện trạng đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Theo đó, GIZ sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động như: xây dựng và phát triển hệ thống thông tin dữ liệu, đánh giá thông tin các rủi ro đối với cơ sở hạ tầng hiện có; xây dựng năng lực quản lý rủi ro thiên tai; xây dựng hồ sơ phát triển công nghệ và viễn thông; đề xuất các giải pháp xây dựng và áp dụng các công cụ tài chính đối với phòng ngừa rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP Cần Thơ có nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, trong số đó đã có một số công trình được xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý hạ tầng kỹ thuật... Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có đầy đủ hệ thống các trang thiết bị phục vụ nhu cầu quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đối với công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đề xuất Tổ chức GIZ chia sẻ thêm những kinh nghiệm của đơn vị về quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như hỗ trợ công tác đào tạo, tư vấn về kỹ thuật chuyên môn cho cán bộ quản lý tại địa phương; đồng thời, hỗ trợ các trang thiết bị, máy móc, công nghệ mới cho thành phố thực hiện công tác quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.