Chiều 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri nhất trí và đánh giá cao nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn tiếp tục nêu nhiều ý kiến và nội dung tới Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Như, việc xem xét các dự án và công tác kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tình trạng một số giáo viên và y, bác sĩ chuyển công tác từ khu vực công lập sang dân lập, chế độ tiền lương; quỹ đất tái định cư liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 và một số nội dung giao đất dịch vụ; tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp vùng đất bãi ven sông Hồng; đường dân sinh qua đường sắt, việc đầu tư mở rộng quốc lộ 3 tại huyện Sóc Sơn...
Bên cạnh đó, cử tri hai huyện cũng kiến nghị Quốc hội, thời gian tới quan tâm đến vấn đề môi trường liên quan Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; thực hiện cải cách tiền lương và kiểm soát lạm phát; kiểm soát, bình ổn giá xăng, dầu...
Tại hội nghị, bà Đào Thị Duyên (73 tuổi) trình bày với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về vấn đề chậm giải quyết đất dịch vụ của gia đình bà và người dân trên địa bàn huyện Mê Linh.
Theo bà Duyên, từ năm 1997 đến ngày 1/8/2008, người dân chấp hành chủ trương để Nhà nước thu hồi đất xây nhà cho khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Sau đó, người dân được hưởng đất dịch vụ theo quy định.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà Duyên chưa được hưởng đất dịch vụ theo quy định. Những kiến nghị của gia đình bà Duyên không được hồi âm cụ thể mà bị đưa đi đẩy lại giữa các cơ quan.
Bà Duyên đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội quan tâm, có ý kiến với Chính phủ, Bộ TN&MT để huyện Mê Linh sớm giao đất dịch vụ cho nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết vấn đề đất dịch vụ là vấn đề rất "trăn trở" của các thế hệ lãnh đạo Hà Nội và điều này không chỉ xảy ra ở riêng huyện Mê Linh.
Nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra là do sự không đồng bộ trong chính sách giữa Hà Nội cũ và các khu vực ở các tỉnh lân cận khi sáp nhập vào để thiết lập thủ đô Hà Nội mới.
"Các đồng chí cần quyết tâm triển khai để trả lại quyền lợi chính đáng cho bà con", ông Thanh nói.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng nếu Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh mà "không dính dáng lợi ích gì" thì nên quyết tâm làm, xử lý các vấn đề liên quan đến đất dịch vụ. Lãnh đạo các sở, ngành nếu cũng không có quyền lợi trong việc giao đất dịch vụ này thì phải quyết tâm làm, trả đất dịch vụ cho người dân.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, liên quan đến đất dịch vụ, ở huyện Thanh Oai còn cấp thừa 6.500 m2 cho dân. Trải qua mấy chục năm, người dân đã xây dựng nhà cửa…
Chủ tịch Hà Nội cho rằng các thế hệ lãnh đạo đương nhiệm hiện nay hơn chỗ khác vì là "thế hệ sau không dính dáng gì cả nên dũng cảm mà làm". Nếu mọi việc không được giải quyết rồi mỗi lúc một chính sách thì mọi thứ càng ngày càng khó.
"Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ. Mình trong veo thì sợ cái gì", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.