Tính đến tháng 6.2022, Việt Nam có 863 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp 70% vào GDP. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn...
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa, tháng 1.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/W về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Một trong những mục tiêu đặt ra là: “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”. Đồng thời, Nghị quyết 06 có một nhóm nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu” với nhiều định hướng giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 06 nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”. "Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, cho biết, thành phố xác định đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn khi các văn bản trước đây chỉ mang tính chất hướng dẫn, chưa có quy định áp dụng công nghệ. Các sản phẩm công nghệ số có xu hướng tích hợp với đa chức năng, trong khi chức năng quản lý nhà nước được phân cho nhiều cơ quan cũng là một rào cản. Ngoài ra, nhà đầu tư khu công nghệ thông, công viên phần mềm vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất do vướng mắc trong các quy định pháp luật. Đầu tư từ ngân sách cũng vướng do quy định của Luật Quản lý tài sản công.
Ông Thanh đề xuất Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng khung chính sách thử nghiệm (sandbox) để phát triển kinh tế số; ban hành hướng dẫn về mức độ mở của dữ liệu cũng như chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu mở... để thúc đẩy kinh tế số.