Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020, nhưng được xem là một năm có diễn biến thiên tai khá phức tạp, với 18/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện; trong năm, cũng đã xảy ra 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, hơn 40 đợt mưa lũ lớn diện rộng, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Công tác dự báo KTTV năm qua đã luôn đảm bảo sớm, kịp thời, mức độ chính xác cao hơn; thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Bộ đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả nhiệm vụ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo Tổng cục KTTV nghiên cứu sửa đổi và trình ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai. Đồng thời, trình ban hành Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch PCTT&TKCN của Bộ.
Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục KTTV tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin về thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo quan trắc, đo đạc đầy đủ, kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo khí tượng thủy văn, các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương, đặc biệt là cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để đẩy mạnh công tác nghiên cứu các phương pháp, mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có độ tin cậy cao hơn, chi tiết hơn.
Các đơn vị khác trực thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, Nghị quyết số 120/NQ-CP và Quyết định số 705/QĐ-TTg. Trong đó, các Đài KTTV khu vực bám sát lãnh đạo các địa phương, để thông tin dự báo đến kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh, ứng phó của địa phương.
Công tác vận hành liên hồ chứa, đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực miền Trung; tăng cường giám sát các hồ chứa đảm bảo thực hiện đúng quy trình; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.