Dự báo năm 2022 sẽ có nhiều thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.
Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam dự báo cũng tiếp tục sôi động; trong đó có sự chủ động lồng ghép nội dung xúc tiến đầu tư. Riêng trong chuyến sang châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2021, tổng giá trị các cam kết, biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tới 30 tỷ USD và sẽ là “trái quả ngọt” trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo.
Để tăng cường thu hút dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng về chất lượng), đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.
Theo đó, để tiếp tục có sức hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
Các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.
Việt Nam cần triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư.
Bên cạnh đó, để thu hút thành công nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, trước hết, doanh nghiệp cần phải chứng minh với nhà đầu tư những ưu thế và khản năng cạnh tranh của sản phẩm, mức lợi nhuận và doanh thu tăng mạnh qua các năm của mình. Những yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào lợi ích số tiền họ đã bỏ ra.
Hầu hết các nhà đầu tư đều muốn đưa tiền vào những doanh nghiệp có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm mang những nét riêng, độc đáo. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chứng minh ưu điểm của sản phẩm bằng cách so sánh chúng với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh và các sản phẩm thay thế.
Các chuyên gia cho rằng, đa số doanh nghiệp đều bắt đầu có lãi vào năm thứ hai sau khi thành lập. Do đó, những nhà đầu tư khôn ngoan, người hiểu được nhân tố chủ chốt này sẽ để ý những đơn vị tuyên bố lợi nhuận sau ba đến năm năm.
Hãy chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy rằng doanh nghiệp có thể tăng quy mô thị trường, mở rộng thị phần và tăng trưởng nhanh, liên tục với những sản phẩm tốt, kiểu dáng và mẫu mã được thay đổi thường xuyên để thu hút khách hàng.
Cần nhấn mạnh cho các nhà đầu tư biết rằng doanh nghiệp của bạn có những bí quyết công nghệ nổi bật được bảo vệ kỹ lưỡng, do đó sản phẩm có những nét độc đáo khác biệt.
Có rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài xem đội ngũ quản trị doanh nghiệp như một tiêu chuẩn cơ bản để ra quyết định đầu tư. Đơn cử, Giám đốc điều hành doanh nghiệp phải là người có khả năng làm việc trên tinh thần hợp tác, hiểu biết sâu sắc thị trường, khách hàng để biết được những biến động thị trường và điều hành doanh nghiệp đi đúng hướng, làm cho các nhà đầu tư ít liên quan đến lĩnh vực hoạt động mà họ bỏ vốn yên tâm hơn. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế về điều hành và quản trị doanh nghiệp. Bản thân đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải tích cực học tập để nâng cao năng lực quản lý của mình.
Đàm phán là hoạt động cuối cùng, sau khi nhà đầu tư đã khảo sát về doanh nghiệp và quyết định việc đầu tư vào doanh nghiệp như thế nào? Để thực hiện tốt quá trình đàm phán, doanh nghiệp nên chú ý những hoạt động như: Xác định mục đích trước khi đàm phán, doanh nghiệp cần phải biết đối tác nước ngoài sẽ cam kết nắm cổ phần trong bao lâu, sẽ mang đến lợi ích gì và sẽ can thiệp tới mức nào trong doanh nghiệp?
Tỷ lệ lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư là bao nhiêu? Nếu quá cao, nó có thể khiến cho doanh nghiệp nản lòng, còn nếu quá thấp sẽ kiến các nhà đầu tư không mặn mà. Vậy tỷ lệ phần trăm bao nhiêu là đủ? Điều này còn tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
FDI là nguồn vốn rất quan trọng của nền kinh tế, là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. Tìm các biện pháp để đẩy mạnh thu hút FDI là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển động tái cấu trúc và phát triển trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế thế giới.