Trên Tiền phong cho hay, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, sáng qua 10/6, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM khẳng định, đường vành đai 3 TPHCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua, giúp hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.
Đáng lưu ý, đại biểu Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan xem xét, quyết định chỉ định thầu. “Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM là 2 công trình “để đời cho con cháu”, nên cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, bởi theo ông, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có uy tín trên thế giới để thiết kế và tư vấn. Đại biểu cũng cho rằng, không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. “Nếu có vấn đề phát sinh thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng phải báo cáo về việc thực hiện như thế nào”.
Cũng theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), cơ chế “chỉ định thầu” nếu được sự chấp thuận cũng “không phải là vấn đề phấn khởi đầu”. Theo ông Hạ, chỉ định thầu vừa qua có kẽ hở, tạo cơ chế xin- cho. Nếu làm không cẩn thận sẽ gây hệ lụy, mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không, người được quyết, người không được, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này. “Như hậu quả vừa rồi do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, chúng ta thấy hệ lụy rất lớn. Quá trình triển khai cần làm thật tốt, thật kỹ để tránh sau này phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất cán bộ do cơ chế”, ông Hạ cảnh báo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, “không có lý do gì trì hoãn thêm nữa”. Về nguồn lực, theo ông Cường, hai tuyến vành đai này sẽ hình thành nên các đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối… “Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng”.
"Khi nghe Quốc hội xem xét, thảo luận tuyến đường này, giá đất khu vực dự kiến tuyến đường đi qua đã sôi động, giá tăng lên rất nhiều. Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí, do vậy nên có cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực hai bên tuyến đường khi hạ tầng hoàn thiện", ông Cường cho biết thêm.