Giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng năm 2022, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD; tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần; đạt 2,47 triệu tấn và 1,14 tỷ USD; tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (tăng 71,2%); giảm mạnh nhất là Gana (giảm 32,8%).
Có được kết quả tích cực này một phần nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam khoảng 425 - 430 USD/tấn, không đổi so với tuần trước và là mức cao nhất từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 422 USD/tấn (giảm 1 USD); gạo Ấn Độ 378 USD/tấn giảm tới 15 USD so với cuối tháng 9 vừa qua và đã xuống thấp hơn gạo Pakistan (388 USD/tấn).
Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có cho biết, 2 năm trở lại đây, nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Hiện tại, giá gạo trắng Việt Nam cao so với các nước trong khu vực vì chất lượng tốt, sản lượng cũng không nhiều. Dự báo giá gạo xuất khẩu có thể tăng hơn nữa trong những tuần tới khi nguồn cung khan hiếm do thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa và nhu cầu tăng cao.
Những ngày cuối tháng 10, giá lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng mạnh. Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500 đồng/kg, từ 5.300 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 tăng 500 đồng/kg, từ 5.400 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg, OM 5451 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg, Đài thơm 8 ở mức 6.800 - 6.900 đồng/kg...
Đủ sản lượng cho xuất khẩu
Cục Trồng trọt cho biết, thời điểm này ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm được kế hoạch sản xuất, gieo trồng khoảng 7,24 triệu hécta, sản lượng trên 43 triệu tấn thóc. Kế hoạch năm nay Việt Nam xuất khẩu 6,3 - 6,5 triệu tấn gạo. Nếu không có diễn biến bất thường về thời tiết, dịch bệnh, ngành hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để bảo đảm xuất khẩu gạo từ 6,5 - 6,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Hiện tại, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại gạo giữa Việt Nam các thị trường cao cấp, giúp hạt gạo nâng cao tính cạnh tranh. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Phan Văn Có cho rằng, một mặt Việt Nam cần bảo đảm chất lượng gạo như hiện tại, mặt khác cần nghiên cứu, tiếp tục nâng cao chất lượng gạo. Theo đó, phải canh tác ruộng đất có hiệu quả hơn, một năm chỉ nên làm 2 vụ thay vì 3 vụ để giảm bớt chi phí và năng suất sẽ cao hơn. Ông đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc hỗ trợ tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và giá trị gạo; phát triển các vùng sản xuất tập trung và tạo liên kết chặt chẽ nông dân - doanh nghiệp, sản xuất - tiêu thụ…
Với mục tiêu sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hécta lúa chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo góp ý của nhà khoa học nông nghiệp GS.TS. Võ Tòng Xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra 1 - 2 giống gạo Việt Nam không chỉ bảo đảm ngon, thơm, năng suất cao mà còn phải phù hợp với thị hiếu của từng thị trường. Tùy thị trường sẽ xác định vùng trồng khác nhau, nếu muốn gạo chất lượng cao mà độ ngon vừa phải, có thể trồng ở vùng dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, kéo sang An Giang, Đồng Tháp... Muốn lúa chất lượng cao, năng suất cao, có thể trồng ở vùng Cao Lãnh (Tiền Giang). Gạo vừa chất lượng cao, vừa ngon, phải trồng từ Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau...