Sáng nay 2/6, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào đầu phiên ở mức 68,55 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,45 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng mua vào, tăng 150.000 đồng/lượng bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 1/6. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 900.000 đồng/lượng.
Theo ghi nhận, tại thời điểm 8h30’ sáng nay 2/6, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 68,25 – 69,15 triệu đồng/lượng. So với cuối phiên giao dịch 1/6, vàng giữ nguyên giá ở chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI duy trì ở 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sau khi tăng nhẹ đã giảm nhanh. Cuối phiên 1/6, (theo giờ Mỹ), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.846 USD/oz. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank sáng nay: 1 USD = 23.340 VND, giá vàng thế giới tương đương 51,91 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,54 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra sáng 2/6.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 2/6 là 23.066 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD.
Các NHTM hôm nay niêm yết giá USD phổ biến ở mức 22.980 VND/USD (mua vào) và 23.420 VND/USD (bán ra).
Trên thị trường thế giới cũng cho thấy, USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác ở mức 102,54 điểm, tăng 0,79% điểm.
Mặc dù biến động mạnh và có xu hướng đi xuống trong tuần này nhưng các biến động của mặt hàng kim loại quý phù hợp với chỉ báo trên biểu đồ đường trung bình giá 200 ngày.
Về dài hạn, giá vàng vẫn nhận được nhiều trợ lực để tăng giá, đặc biệt là việc đồng USD đã đạt đỉnh và dần suy yếu. Vàng còn được hỗ trợ bởi những bất ổn tại châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra quyết định cắt giảm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022 do nước này xung đột quân sự với Ukraina.