Doanh nghiệp chật vật gánh vác các chi phí
Bước vào mùa hè, là thời gian các địa điểm du lịch hoạt động mạnh cũng kéo theo hoạt động vận tải phát triển. Tuy nhiên năm nay, nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh thu không đủ bù chi.
Theo một số doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách tại bến xe phía Nam cho biết, hiện nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi sinh hoạt xã hội được “bình thường mới” nhưng lại xảy ra tình trạng giá xăng dầu tăng cao, chi phí thay thế trang thiết bị xe tăng hơn 30% so với trước cùng với việc các loại phí, thuế, lương cho tài xế, phụ xe tăng… làm cho doanh nghiệp đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp vận tải hành khách nào cũng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, tăng giá sợ sẽ mất khách, nhưng không tăng giá thì phải chật vật gánh các chi phí.
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, công việc của doanh nghiệp vẫn nhiều nhưng lợi nhuận thì ít, thậm chí là âm, bởi mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, so với trước, giá cước vận tải thu của khách hàng không thay đổi nhiều.
Theo Bộ Công thương từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 10 lần tăng, 3 lần giảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành quỹ bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.. Xăng, dầu tăng giá mạnh đã gây áp lực rất lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên cả nước.
Mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (Ron 95 là 4.000 đồng); ước tính, bình quân thuế, phí chiếm khoảng 42 đến 43% đối với xăng và 21 đến 27% với dầu.
Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải, bình quân 35 đến 50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào. Hoạt động vận tải đường bộ là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu, đối với mức tăng giá xăng, dầu hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm từ 40 đến 45%.
Xăng dầu là máu huyết của ngành vận tải nên giá xăng tăng cao chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Theo ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty Vinasun, hiện doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn, đó là hạn chế kinh doanh hoặc tăng giá cước. Tuy nhiên, việc tăng giá cước sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và tạo hệ lụy liên hoàn đến các lĩnh vực khác.
Ở lĩnh vực vận tải hàng không năm nay vẫn đứng trước khó khăn lớn do tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận chủ yếu đến từ thị trường quốc tế.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải
Theo các chuyên gia kinh tế, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Xăng, dầu đều đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội. Về nguyên tắc, đối với xăng, dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Vấn đề là mặt hàng này có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất.
Theo TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, cho rằng xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu hằng ngày, thuế tiêu thụ đặc biệt thì được đánh vào hàng hóa hay dịch vụ đặc biệt. Việc bỏ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi đó, người dân và DN có chi phí đầu vào giảm, dẫn đến người tiêu dùng cuối cùng hưởng được mức phí thấp nhất có thể. Còn việc cân đối tài chính quốc gia thì cần có chính sách khác bổ sung.
Để tháo gỡ khó khăn, Nhà nước đang triển khai các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của tăng giá xăng, dầu và từ dịch Covid-19, như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022, cho phép giảm từ 700 đến 2.000 đồng/lít tùy loại, đồng thời sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để điều tiết giá xăng phù hợp diễn biến của thị trường. Mặt khác, triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; miễn, giảm một số loại thuế, phí,…
Bộ Tài chính cho biết, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn, tạo tiền đề phục hồi và phát triển trong tương lai, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân hàng nhà nước được ngành ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra, vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngành hàng không cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan nhằm hỗ trợ các hãng.
Theo đó, giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong năm 2022. Các địa phương xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng,...