Theo dự thảo, người được hỗ trợ có đăng ký thường trú trên địa bàn, đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm lao động có hợp đồng dưới 1 hoặc 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; lao động giúp việc gia đình; lao động sản xuất kinh doanh dịch vụ không hưởng tiền lương; nông dân; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
Cụ thể, mức đề xuất hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với người thuộc hộ nghèo; 25% với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các nhóm khác. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/8/2022 đến hết 31/12/2025, kinh phí trích từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Riêng trong năm nay, các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách thì Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp, bố trí bổ sung vào tháng 10/2022.
Được biết, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển từ ngân sách nhà nước vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, không trao trực tiếp cho người dân. Thành phố tính toán tổng kinh phí cho giai đoạn này là hơn 180 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, việc hỗ trợ là cần thiết, chính sách này là đầu tư cho an sinh, bởi người lao động về già không có lương hưu tạo áp lực cho ngân sách khi chi trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp bảo hiểm hằng tháng.