Sau khi tòa soạn Doanh nhân và Pháp lý có bài phản ánh “Hoài Đức (Hà Nội): Hàng loạt trạm bê tông hoạt động thiếu pháp lý” ra ngày 21/04 vừa qua. Trong bài viết nêu rõ hành vi xây dựng ‘chui’ trên đất dự án, hoạt động khi chưa lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại trạm bê tông Việt Nhật, bê tông Chèm An Khánh (xã An Khánh), bê tông Việt Đức, bê tông 136, bê tông Vạn Phúc (xã Vân Canh) nhưng chưa bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao các trạm trộn bê tông vẫn thường xuyên điều xe ‘siêu trường, siêu trọng’ chở vật liệu xây dựng (VLXD) quá khổ, quá tải trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn qua khu công nghiệp Cầu Nổi, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) khiến mặt đường bị bong tróc, hư hỏng mà cơ quan chức năng không ngăn cản?
Để có câu trả lời khách quan, mới đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Thế Minh, chủ tịch UBND xã Vân Canh.
Ông Minh cho biết: "Các trạm bê tông hoạt động từ năm 2016 theo như báo chí phản ánh là đúng, hiện nay có 03 trạm nằm trên địa bàn xã quản lý gồm bê tông 136, bê tông Việt Đức, bê tông Vạn Phúc… trong đó, một nửa nằm trên đất dịch vụ có diện tích 4,6ha, một nửa nằm trên đất của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Ngân Hằng. Tất cả các trạm trộn đều không có giấy tờ pháp lý gì cả vì chưa được phép...".
Cũng theo ông Minh chia sẻ: “UBND xã đã lập biên bản xử lý vi phạm và xử phạt, trong đó, xã cũng đã yêu cầu các trạm tháo dỡ công trình vi phạm và đã được các đơn vị chấp thuận bằng đơn tự trình xin lùi lại thời gian tháo dỡ vi phạm đến năm 2019, thế nhưng đến thời điểm hiện tại văn bản vẫn chưa được cấp chính quyền chấp thuận".
Trong buổi làm việc, chúng tôi có đặt câu hỏi liên quan đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trước loạt sai phạm mà các trạm bê tông nằm trên địa bàn mắc phải, đồng thời, mong tiếp cận các văn bản báo cáo của UBND xã gửi lên huyện để nắm rõ việc chỉ đạo xử lý vi phạm cũng như công tác phối hợp với huyện ra sao, tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn từ ông Minh: "Thẩm quyền của xã chỉ là phát hiện sai phạm rồi báo cáo và phối hợp với các phòng ban của huyện để xử lý. Hơn nữa, trong thời buổi công nghệ mới nên chúng tôi chỉ cần gọi điện để báo cáo lên huyện mà thôi".
Sau nhiều lần phóng viên liên hệ trực tiếp với bà Phạm Thị Tuyn (đại diện trạm bê tông Việt Đức); ông Dương Đức Vinh (đại diện trạm bê tông Vạn Phúc); ông Nguyễn Hoạch (người đại diện làm việc của trạm bê tông 136); ông Vũ Văn Tuyên (đại diện trạm bê tông Việt Nhật)… để làm rõ pháp lý của các trạm trộn trước khi đi vào sản xuất bê tông thương phẩm nhưng đều bất thành với những lý do khác nhau.
Mơi đây nhất, trong buổi làm việc nhanh cùng đại diện trạm bê tông Chèm An Khánh, phóng viên đặt một số câu hỏi liên quan đến việc sử dụng đất có đúng mục đích? Việc xây dựng các công trình chính, công trình phụ phục vụ công tác vận hành trạm bê tông đã được cấp phép hay chưa? Trạm bê tông Chèm An Khánh đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường? Qúa trình vận hành và khai thác nước ngầm đã có giấy phép đầy đủ?... tuy nhiên, tất cả những câu hỏi đó chúng tôi không nhận được câu trả lời.
Chúng tôi tò mỏ đặt thêm câu hỏi, trạm bê tông không đủ điều kiện trong công tác bảo vệ môi trường mà vẫn hoạt động bình thường được là sao? Lúc này, đại diện trạm trộn bê tông Chèm An Khánh đưa ra một bản Báo cáo kết quả quan trắc môi trường của trạm trộn bê tông An Khánh thuộc Công ty CP bê tông Chèm Xuân Mai quản lý, do Công ty TNHH môi trường và phát triển Thăng Long tư vấn vào tháng 10/2019, ngoài ra không cung cấp và trả lời thêm bất cứ câu hỏi nào mà phóng viên đặt ra trước đó.
Đến đây, bạn đọc có quyền đặt câu hỏi là tai sao các trạm bê tông hoạt động ‘chui’ nhiều năm trên địa bàn huyện Hoài Đức mà chính quyền không xử lý dứt điểm? Liệu có thế lực ngầm ‘bao che’? Những câu hỏi đó chúng tôi sẽ chờ lãnh đạo huyện Hoài Đức trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!