Triển lãm Vietwater 2022 được tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp, mang lại cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước, xử lý nước thải và các lĩnh vực liên quan khác, tìm ra những giải pháp bền vững trong quy trình vận hành, sản xuất.
Với khát vọng nâng cao chất lượng nước - đầu vào thiết yếu của ngành công nghiệp chế biến, đồng thời giải quyết thách thức trong xử lí nước thải đầu ra, Vietwater 2022 nỗ lực hướng tới kết nối doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu cân bằng ba yếu tố Con người (people), Trái đất (planet) và Lợi nhuận (profit) – 3P của mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững.
Trong suốt 12 năm liền, Vietwater được đánh giá là chương trình triển lãm lớn nhất và dẫn đầu ngành nước tại Viêt Nam với tỷ lệ hài lòng của nhà trưng bày triển lãm lên đến 90%. Trong đó, hơn 80% nhà triễn lãm đạt được mục tiêu tìm kiếm khách hàng mới.
Đồng thời diễn ra cùng triển lãm là các hội thảo kỹ thuật chuyên ngành về công nghệ lọc nước, xử lý nước thải, công nghệ môi trường với sự tham gia của hàng trăm diễn giả là các nhà chính sách, quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp giàu kinh nghiệm.
Triển lãm Vietwater có diện tích 5,000 m2 và hơn 250 đơn vị tham gia trưng bày đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu tham gia trưng bày đến từ các khu công nghệ cao của các nước phát triển như Úc, Anh, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,… với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như Nagaoka, Organo, HCP Pump, Norma, Seika, Atlas Filtri; Cheonsei; Fujikin Việt Nam; City of Yokohama; Bình Minh; Môi Trường Việt An; Ecozen; Thiết Bị Đo Điện Emic; Omizu; Vietchem; Kuraray; Organo; Continental Industrie, Karofi; Đại Đồng Tiến Phát; Endress+Hauser; Kobelco Eco-Solutions; Bueno; Thái Khương; Kyowakiden, Walrus Pump, Franklin Electric, Vontron, Toàn Á, và hàng trăm đơn vị khác. Vietwater 2022 hứa hẹn sẽ thu hút hơn 8,000 khách tham quan chuyên ngành.
Theo UN-Water (2021), 72% lượng nước khai thác trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 16% cho các đô thị, hộ gia đình và ngành dịch vụ, 12% còn lại cho công nghiệp. Nhu cầu nước được dự báo sẽ tăng 55% vào năm 2050, chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành sản xuất (tăng 400%) (OECD, 2012). Sự tăng nhanh ở cả ba lĩnh vực kinh tế nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ tại Việt Nam dưới tác động nhanh chóng của đô thị hóa khiến cho nhu cầu về nước ở Việt Nam ngày càng cao.
Ở Việt Nam, sau đại dịch, thị trường tiếp tục có những chuyển biến khởi sắc, trở thành điểm đến hứa hẹn cho đầu tư công nghiệp nói chung và ngành xử lý nước thải nói riêng. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) tính đến tháng 9/2022 của ngành cung cấp nước, quản lý và và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%.