Triển lãm sẽ diễn ra trong vòng 6 ngày ( từ - 13/7) và được tổ chức online từ ngày 12/7/2022 trên website http://trienlamvhnt.vn.
Thông qua các nội dung trưng bày, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa, và thiên nhiên độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh; là dịp để quảng bá tiềm năng, sức hấp dẫn của du lịch xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên đất nước của cộng đồng; tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm cũng giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân, làng nghề; qua đó quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, giữa người sản xuất với du khách.
Triển lãm gồm nhiều chủ đề nhỏ. Trong đó, “Hành trình qua những miền di sản Việt Nam” giới thiệu về các di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với 160 bức ảnh nghệ thuật được lựa chọn trưng bày.
Ngoài ra còn có khu trưng bày không gian “Sắc màu di sản” của các tỉnh, thành phố và chương trình giao lưu nghệ thuật chủ đề này. Tại đây, du khách được nghe giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Đó là các di sản thiên nhiên thế giới như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Di tích Thành nhà Hồ; di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới: Quần thể danh thắng Tràng An; di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù...
Khu trưng bày cũng giới thiệu hình ảnh về các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Pác Bó (Cao Bằng), Chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên), Đền Hùng (Phú Thọ), Lam Kinh (Thanh Hóa), Dinh Độc lập (TP Hồ Chí Minh)... Di sản phi vật thể quốc gia: Múa khèn của người Mông, Dân ca Tày, Múa rối nước, Ca Huế, Võ cổ truyền Bình Định, Lễ hội Ok Om Bok của dân tộc Khmer…
Đặc biệt, tại khu trưng bày giới thiệu về Du lịch xanh - những điểm đến tuyệt vời, là loại hình du lịch đang ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu trưng bày “Du lịch qua những làng nghề truyền thống Việt Nam” giới thiệu những hình ảnh và 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Khu trưng bày như một hành trình đưa du khách đến với các làng nghề truyền thống dọc miền đất nước, trải nghiệm và khám phá những nét đẹp rất riêng để hiểu hơn về tinh hoa văn hóa dân tộc. Có thể kể đến: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày, nghề chạm khắc bạc của người Mông, nghề đan lát của dân tộc Mảng, làm khèn, in sáp ong của dân tộc Dao...