10/02/2023 - 00:48

Khám nghĩa vụ quân sự mấy lần một năm theo quy định mới 2023

Tham gia nghĩa vụ quân sự là quyền lợi và là nghĩa vụ của mỗi công dân để được phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy theo quy định pháp luật năm 2023 thì khám nghĩa vụ quân sự được thực hiện mấy lần một năm? Mời quý khách tham khảo bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Khuê để biết thêm thông tin về vấn đề này.

1. Thực hiện khám nghĩa vụ quân sự mấy lần trong một năm?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Tức là, công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, … đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ. Theo đó, thời gian gọi công dân nhập ngũ năm 2023 sẽ diễn ra vào tháng 02 hoặc tháng 03 năm 2023. Tại Điều 21 Luật nghĩa vụ quân sự quy định thời gian phục vụ trong thời bình là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Để có thể tham gia nghĩa vụ quân sự thì công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ hết 27 tuổi) phải tiến hành khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có giấy gọi.

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm và thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tức là, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 01/11 đến 31/12 hàng năm sẽ tương ứng với 01 đợt gọi nghĩa vụ quân sự vào tháng 02 hoặc tháng 03 năm sau. Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ được gửi đến công dân trước 15 ngày.

Như vậy, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để gọi nghĩa vụ quân sự vào năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 01/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022; các địa phương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để sắp xếp lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho phù hợp. Và thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để gọi nhập ngũ vào năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 01/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Trường hợp gọi công dân nhập ngũ lần 02 vào năm 2023 thì thời gian khám sức khỏe lần 02 sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trước đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì sẽ có 01 đợt khám sơ tuyển tại cấp xã.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì quy trình tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2023 gồm 05 bước như sau:

– Bước 1: Tổ chức khám sơ tuyển cấp cơ sở tại Trạm Y tế các xã/ phường/ thị trấn.

– Bước 2: Tổ chức khám tuyển tại huyện tại Bệnh viện Đa khoa huyện.

– Bước 3: Tổ chức phúc tra lại sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện.

Thời gian thực hiện bước 1 đến bước 3 sẽ diễn ra từ 01/11/2022 đến 31/12/2022.

– Bước 4: Tổ chức phát lệnh gọi nhập ngũ. Thời gian thực hiện diễn ra trong phạm vi tháng 01 năm 2023.

– Bước 5: Tổ chức Lễ giao, nhận quân. Thời gian thực hiện diễn ra từ tháng 02/2023 đến tháng 03/2023.

Do vậy, về vấn đề khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì sẽ gồm 03 bước tương ứng với được tiến hành khám 03 lần trong một năm: Lần thứ nhất là khám sơ tuyển cấp cơ sở tại Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn; Lần thứ hai là khám tuyển tại Bệnh viện Đa khoa huyện; Lần thứ ba là phúc tra lại sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Thủ tục khám tại mỗi lần được quy định tại các Điều 5, 6, 7 tại Thông tư liên tịch 16/216/TTLT-BYT-BQP.

2. Không tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2023 khi có lệnh gọi bị xử lý như thế nào?

Cơ sở pháp lý dụng làm căn cứ để tiến hành xử lý hành vi không tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2023 là: Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lý như sau:

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

– Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có văn bản hướng dẫn “lý do chính đáng” được nêu trong 02 trường hợp trên là gì. Cụ thể, “lý do chính đáng” được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 07/2023/TT-BQP ngày 27 tháng 01 năm 2023 của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 14/03/2023. Theo đó, một số trường hợp được coi là có “lý do chính đáng” như sau:

+ Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 này chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

+ Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 này nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

+ Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư này.

– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

– Phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, hành vi vi phạm về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tới 35 triệu đồng đối với từng trường hợp vi phạm khác nhau.

Đánh giá post này

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất