ĐBQH VŨ ĐẠI THẮNG (Quảng Bình): Xây dựng luật phải đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế
Bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật Giá, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, nền kinh tế theo hướng thị trường, việc xây dựng Luật Giá phải đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế. Bởi, đối với những vấn đề Nhà nước cần can thiệp thì dứt khoát phải can thiệp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và cụ thể trong luật này.
Bày tỏ tán thành về việc Ban soạn thảo đưa những nội dung bổ sung về các hoạt động liên quan đến chi tiêu an ninh - quốc phòng và sách giáo khoa, ĐBQH Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: đây là những yêu cầu thực tế, cấp bách cần có cơ chế kiểm soát… “Dự thảo Luật cần có quy định trong việc mua sắm hàng hóa chống dịch, bởi đây là nội dung vô cùng quan trọng, khẩn cấp, cần đưa vào kiểm soát. Như vậy, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, sẽ bảo vệ được cán bộ công tâm, khách quan trong phòng, chống dịch vì mục tiêu chung bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý vào dự thảo Luật, ĐBQH Vũ Đại Thắng cũng có ý kiến cụ thể đối với việc bổ sung thông tin “nơi sinh” trong hộ chiếu. Theo đại biểu, đây là việc hết sức khẩn trương để kiện toàn các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc của công dân, tuy nhiên để phù hợp, cần tách riêng nội dung này, không đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.
ĐBQH BÙI THỊ QUỲNH THƠ (Hà Tĩnh): Cần thống nhất, cụ thể tiêu chuẩn thẩm định giá
Sau gần 9 năm thực thi, các quy định tại luật đã tạo khung pháp lý cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường, hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Việc quy định các phương pháp thẩm định giá tại Luật Giá và pháp luật chuyên ngành sẽ làm khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện thẩm định giá, nhiều trường hợp không biết áp dụng quy định tại luật nào…
Vì vậy, nữ ĐBQH đề nghị, rà soát các pháp luật chuyên ngành để bổ sung quy định thống nhất, cụ thể tiêu chuẩn thẩm định giá và các phương pháp thẩm định giá vào Luật Giá (sửa đổi)…
Ngoài ra, để đảm bảo ngắn gọn, đại biểu cũng đề nghị xem xét, gộp các nội dung khoản 3, khoản 4, khoản 5, thành “Công khai thông tin, kê khai giá, niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật” tại điều 56 và đề nghị sửa cụm từ “Luật Xử lý vi phạm hành chính” thành “pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” tại điểm c, khoản 1. Vì ngoài Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc quy định trường hợp đình chỉ kinh doanh còn được quy định tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.
ĐBQH TRẦN NHẬT MINH (Nghệ An): Băn khoăn quy định quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá
Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giá, song qua nghiên cứu dự thảo luật và các văn bản khác có liên quan, đại biểu chuyên trách của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh cho rằng: tại điều 16 của Dự thảo Luật quy định “HĐND cấp tỉnh giao Thường trực HĐND có ý kiến quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp UBND cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp với quy định tại điều 19 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đại biểu, HĐND cấp tỉnh không có thẩm quyền đối với việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ (HĐND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định giá đối với giá dịch vụ giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương và giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương). Mặt khác, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh xin ý kiến HĐND cấp tỉnh khi quyết định giá cũng chưa có luật nào quy định… Do đó, nên bỏ quy định trên khỏi dự thảo Luật Giá sửa đổi”, đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.
Đối với công tác quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cân nhắc, theo hướng không nên quy định cụ thể về việc giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh đối với cơ quan quản lý giá thuộc Bộ, tỉnh như dự thảo nhằm tạo sự linh hoạt trong công tác điều hành cho người đứng đầu Bộ, địa phương.
Bày tỏ băn khoăn khi Điều 51, dự thảo Luật quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cần ít nhất có 5 người có thẻ thẩm định viên về giá so với quy định chỉ 3 người so với luật hiện hành; trong khi đó báo cáo tác động của Chính phủ chưa nêu rõ lý do, những tác động tích cực, tiêu cực của việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên trong Luật Giá (sửa đổi) lần này.