Từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử
Lễ hội - du lịch Chùa Hương năm 2023 diễn ra với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương an toàn, văn minh thân thiện”. Năm nay Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức với quy mô cấp huyện, gắn với tôn vinh giá trị quần thể khu di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1/2023 đến hết ngày 23/4, tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng hết hết ngày 4/3 năm Quý Mão. Ngày khai hội là ngày 27/1, tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm xuân Quý Mão.
Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành. Ban tổ chức cũng đã thông qua quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tiểu ban; yêu cầu các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo. Điểm nổi bật của lễ hội năm 2023 là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Theo đó, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.
Năm nay Công ty cổ phần Chùa Hương xanh xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn. Ban tổ chức cũng chú trọng đến công tác quảng bá hình ảnh Chùa Hương thân thiện, mến khách. Người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp. Công tác an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên dòng Suối Yến phải được quan tâm. Kiên quyết xử lý các hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của Ban tổ chức lễ hội, trên các tuyến đường phải đảm bảo thông thoáng, an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo rà soát các cửa hàng kinh doanh, khách sạn, bãi đỗ xe đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối về phòng chống cháy nổ. Chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: "Chính quyền và người dân trên địa bàn đang nỗ lực, chuẩn bị mọi điều kiện để mùng 6 tháng Giêng chính thức khai hội, đây cũng là ngày truyền thống của người dân nơi đây - được coi là ngày mở cửa rừng. Ngày xưa người dân đi vào rừng, kiếm củi, hái lượm thường lấy ngày này để bắt đầu đi làm".
Được biết, sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bà con mong muốn năm nay sẽ có đông khách hơn. Thực tế trong những năm gần đây, khách tập trung chủ yếu tháng Giêng và đầu tháng 2 âm lịch, đặc biệt nhất là việc đi chùa những năm gần đây diễn ra chủ yếu vào ngày lễ và thứ 7, Chủ nhật.
Năm nay Ban tổ chức vẫn duy trì các cửa hàng, dịch vụ kinh doanh như trước, có khoảng 318 cửa hàng được mở phục vụ du khách có nhu cầu khi dừng chân. Việc tuyên truyền về quy chế đi lễ hội của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của TP Hà Nội được đưa đến bà con nhân dân, cả các hộ kinh doanh. Và ngoài việc tuyên truyền tham gia lễ hội văn minh, Ban tổ chức còn tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự... tất cả bà con đều được tập huấn, ký cam kết.
Kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội
Ông Nguyễn Bá Hiển chia sẻ, đối với vé điện tử việc thay đổi này để đảm bảo các quy định về thuế. Giá dịch vụ phải chuyển đổi sang hoá đơn điện tử, các cổng kiểm soát cũng bằng các thiết bị điện tử. Khi du khách mua vé có mã QR-code đặt vào thiết bị nhận diện ở cổng, cổng sẽ mở ra và khách tự đi vào. Có 10 lối đi được lắp đặt. Thiết bị này cũng giữ vai trò kiểm soát số lượng, thống kê người qua cổng, vé nào đã được sử dụng. Điều này cũng giúp bà con tiếp cận được với công nghệ mới, văn minh, thuận tiện, lịch sự hơn. Từ đó, giảm được số lượng nhân lực tham gia ở khâu kiểm soát vé, xé vé như trước đây, giảm được lượng rác ra môi trường. Đối với vé cho du khách có nhu cầu đi cáp treo cũng được quản lý bằng công nghệ, có mã QR-code để tránh tình trạng quay vòng vé.
Vấn đề an ninh trật tư và đảm bảo an toàn giao thông Công an huyện Mỹ Đức cũng đã xây dựng kế hoạch và được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội phê duyệt. Ngoài đảm bảo phương án các kịch bản, công an huyện cũng huy động khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ trực.
“Hàng năm thường xảy ra vấn đề cò, chèo kéo khách, bám theo xe... việc này gây phản cảm và gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông. Trước thực tế đó, lực lượng công an đã xây dựng phương án. Công an các huyện từ Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai và các huyện khác đã phối hợp và báo cáo Ban Giám đốc Công an thành phố. Đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp để cùng nhau xử lý. Chủ yếu là người dân ở khu vực quanh chùa đi mời chào, hiện chính quyền địa phương đã liên tục tổ chức tuyên truyền” - ông Hiển thông tin thêm.
Về vấn đề ăn xin tại lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã ký kết với Trung tâm bảo trợ xã hội 2 Hà Nội, trong thời gian diễn ra lễ hội nếu có trường hợp người lang thang cơ nhỡ, người ăn xin ở lễ hội thì tổ kiểm tra liên ngành phát hiện sẽ xử lý, nếu cố tình vi phạm sẽ được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội 2 Hà Nội.
Được biết, vào dịp cuối mùa Lễ hội - du lịch Chùa Hương năm 2023, Ban tổ chức sẽ thí điểm để người lái đò vào một hợp tác xã, các hội viên đóng góp cổ phần giống nhau, được hưởng quyền lợi như nhau, điều này sẽ tránh được tình trạng chèo kéo khách du lịch đi thuyền.
Ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Theo lộ trình đến năm 2025, Lễ hội Chùa Hương sẽ đổi mới hoàn toàn nhằm đáp ứng được nhu cầu du lịch, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế. Huyện sẽ chú trọng công tác quy hoạch tổng thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, công tác vệ sinh môi trường, bến bãi đỗ xe, nhất là công tác điều hành vận chuyển du khách về với lễ hội trong 3 tháng xuân.