Diễn ra từ ngày 5/11 đến 20/11, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 quy tụ 886 diễn viên từ 22 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa trên cả nước tham gia 27 vở diễn, gồm 7 vở lịch sử, 4 vở dân gian và 16 vở đề tài chiến tranh - cách mạng và đương đại.
Phát biểu tại lễ tổng kết, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định sự tiếp nối của các thế hệ là điểm sáng của liên hoan lần này khi nhiều nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi đã lùi lại, hỗ trợ các diễn viên trẻ tỏa sáng. Trong đó, một số đơn vị còn táo bạo hơn khi đưa lực lượng trẻ đảm nhận toàn bộ các vai diễn làm chủ sân khấu.
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng nhắc nhở, tình trạng “đụng đâu ca đấy”, “ca liên miên bất tận” làm người nghệ sĩ khó thể thăng hoa. Đặc biệt, việc lạm dụng công nghệ cao, nhất là màn hình led, mà bỏ quên phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống hay làm lu mờ diễn viên biểu diễn là điều đáng tiếc. Vẫn còn tình trạng phục trang thiếu chuyên nghiệp; ca bị chênh phô, không rõ lời; tiếng nhắc tuồng vang vọng… làm tác phẩm thiếu sự trọn vẹn.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao giải cho hai vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 là Bên dòng Long Khốt (Đoàn nghệ thuật cải lương Long An) và Đất liền và biển cả (Đoàn cải lương Hải Phòng).
5 huy chương Vàng được trao cho các vở diễn: Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt), Nguyễn cầm ca - Kiều (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Điều còn lại (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) và Sứ mệnh (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai).
Ngoài ra, còn có 7 huy chương Bạc của các vở: Hương Tràm (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Vua thánh triều Lê (Sân khấu Sen Việt), Ngọc sáng Yên Tử (Đoàn Cải lương Quảng Ninh), Làm vua - Chuyện ngoài chính sử, Thái sư Trần Thủ Độ (Nhà hát Cao Văn Lầu), Trái tim và đôi mắt (Đoàn Cải lương Bến Tre), và Ngược gió (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).
Ba huy chương Đồng trao cho các vở: Dòng sông đỏ (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu), Sống mãi với non sông (Nhà hát Tây Đô), và Thiên mệnh (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Ở giải cá nhân, có 40 huy chương Vàng, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc như: NSND Thanh Hương, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Tú Sương, NSƯT Ngọc Đợi, NSƯT Lịch Sử, NSƯT Hoa Phượng, NSƯT Quang Khải, NSƯT Thiên Hoa, NSƯT Hoàng Nhất, các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Minh Nguyệt, Nam Thanh Phong, Thu Mỹ, Hoàng Dư, Tô Tấn Loan, Minh Trường, Nhã Thy, Hồng Nhung, Minh Hải, Thanh Toàn, Phương Anh Lê Thanh Thảo… Ngoài ra còn có 53 huy chương Bạc và 31 huy chương Đồng được trao cho các nghệ sĩ.
Ban tổ chức cũng trao các giải thưởng cho ê-kíp sáng tạo, gồm: “Tác giả xuất sắc nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” đều thuộc về vở Đất liền và biển cả (Đoàn Cải lương Hải Phòng) với tác giả Nguyễn Đăng Chương và đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai; “Nhạc sĩ xuất sắc nhất” dành cho nhạc sĩ Đặng Sơn Thủy với vở Hương Tràm (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau); “Họa sĩ xuất sắc nhất” và “Biên đạo xuất sắc nhất” dành cho họa sĩ Nguyễn Đạt Tăng và biên đạo Nông Lê Phương của vở Phận má đào (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng phụ cho các giọng ca, nhạc công, họa sĩ thiết kế, phục trang… xuất sắc.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Long An - nơi đăng cai tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen cho 22 đơn vị nghệ thuật dự Liên hoan.