09/02/2023 - 23:28

Mức phạt khi xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông?

Hãy cùng Luật Minh Khuê làm rõ hình thức xử lý đối với hành vi xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông

1. Quy định về biển báo giao thông

Căn cứ theo Luật giao thông đường bộ thì Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác;

Biển báo giao thông thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ là một loại công trình đường bộ

– Hệ thống gồm hiệu lệnh của người khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kể đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn

– Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm như sau:

+ Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;

+ Biển báo nguy hiểm để cảnh cáo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;

+ Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;

+ Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;

+ Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn;

Các hành vi bị cấm trong giao thông đường bộ

– Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

– Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đầu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ;

– Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép;

– Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ;

– Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định;

– Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng;

– Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy;

– Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

– Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định;

Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thực pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

– Giao xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu;

– Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

– Lắp đặt, sử dụng còi, đèn, không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thành gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng;

– Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã;

– Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyền tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định;

– Kinh doanh vận tải bằng ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định;

– Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm;

– Khi có điều kiện mà cố ý không cứu người bị tai nạn giao thông;

– Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn;

– Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

– Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng;

– Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ

2. Hình thức xử lý hành vi xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông

2.1 Xử phạt vi phạm hành chính

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi làm xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông có thể xử phạt như sau:

– Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự (Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

+ Có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan tổ chức;

+ Có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;

+ Đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm;

– Vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm hư hỏng, làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, tường bảo vệ, lan can phòng hộ, mốc chỉ giới;

Đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

2.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tùy vào tính chất của hành vi mà vi phạm có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 Bộ luật Hình sự năm 2015)

Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm khi phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;

+ Làm chết 3 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm;

Đối với người chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm;

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm;

Ngoài ra tùy thuộc vào mục đích đối với hành vi xê dịch, bôi bẩn, phá hủy biển người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015)

Theo đó người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thươn cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.

– Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Trên đây là phân tich, hướng dẫn về hình thức xử lý đối với hành vi làm xê dịch, bôi bẩn, phá hủy biển báo giao thông của Luật Minh Khuê. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc. Trong trường hợp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật doanh nghiệp vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn !

Đánh giá post này

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất