Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại kỳ họp thường kỳ UBND tỉnh Nghệ An, năm 2022, tỉnh Nghệ An đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện quyết liệt, đồng bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước đạt 9,05%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,77%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,68%; khu vực dịch vụ ước tăng 10,78%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 3,08%.
Dự kiến trong năm 2022, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện Đô Lương và Diễn Châu đang hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14%; Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trung bình 62,94%. Tổng lượt khách lưu trú dự kiến đạt 4,45 triệu lượt, doanh thu du lịch dự kiến đạt 5.670 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 2,490 tỷ USD, tăng 2,55% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu hàng hóa 2,168,3 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021.
Thu ngân sách ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, vượt 35,7% so với dự toán, trong đó, thu nội địa ước đạt 19.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.350 tỷ đồng. Chi ngân sách ước cả năm 2022 đạt 32.543 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch. Nếu không tính nguồn ngân sách Trung ương mới giao bổ sung và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả giải ngân đạt 52,64%, trong đó nguồn ngân sách trung ương đạt 53,45%. Kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 đã giải ngân đạt 83,23%. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 - Km76; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1)…
Công tác phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xếp thứ 20 toàn quốc, tăng 14 bậc so với năm 2021; tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều kết quả. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được tiến hành tập trung, trọng điểm.
Công tác cải cách hành chính (CCHC), quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 01 bậc so với năm 2020 và là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 15 bậc (từ thứ hạng 48/63 lên thứ hạng 35/63).
Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới và có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm. Đến ngày 15/11, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh 190 dự án, với tổng số vốn 41.614,9 tỷ đồng, tăng 50,91% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 10/11/2022 là 935,22 triệu USD.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quốc gia thông qua, đang tiếp tục hoàn chỉnh để HĐND tỉnh thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn đã cơ bản phủ kín. Bộ Xây dựng đang thẩm định Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện trên cả 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2023, UBND tỉnh dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP 9-10%; thu ngân sách Nhà nước 15.857 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu 2,870 tỷ USD; Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 56-57 triệu đồng. UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trên.