Quá trình thu hồi đất phục vụ dự án này còn những nội dung được cho là chưa đúng các trình tự thủ tục pháp lý, một số văn bản, quyết định liên quan đến công tác thu hồi đất, đền bù có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật.
Lắng nghe dân để sớm vận hành dự án
Đứng ngay trên diện tích đất vốn đã được nhà nước cấp cho từ những năm 80, bà Nguyễn Thị Cầm, thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc xót xa khi nhà xưởng trên đất bà mua, rồi sau đó thuê hợp pháp của nhà nước bất ngờ bốc cháy trong khi bà chưa đồng ý với phương án đền bù của chính quyền.
“Tôi đã ở đây, sử dụng mảnh đất này mấy chục năm qua. Chúng tôi được chia, rồi sau này thuê lại hợp pháp của nhà nước, chúng tôi sử dụng để nuôi sống cả gia đình, canh tác, nuôi trồng thủy hải sản, làm nhà xưởng tạm… tất cả nguồn thu nuôi sống cả gia đình chúng tôi trông cả ở đây. Nay mức tiền đền bù quá thấp, chính quyền không lắng nghe dân khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Giờ sự việc chưa thống nhất thì nhà xưởng của tôi bất ngờ bốc cháy và được kết luận là không rõ nguyên nhân khiến gia đình tôi vô cùng hoang mang, lo lắng”.
Đã ngoài 80, chồng là cựu chiến binh đã mất, bà Phùng Thị Bắc, thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã 2 lần hiến đất cho nhà nước. Đối với dự án khu đô thị mới lần này bà cũng tự nguyện trao trả phần đất còn lại của mình cho quê hương. Bà chỉ có nguyện vọng được đền bù sao cho có thể sống nốt phần đời còn lại không quá khó khăn bởi lẽ với bà số ruộng đất đó không khác gì cuốn sổ hưu. “Tôi đã 2 lần hiến đất làm bệnh viện, đường đi, tôi đâu có tiếc. Nay lấy nốt phần đất còn lại thì cuối đời tôi trông vào đâu để sống, tiền đền bù rẻ vậy thì hỏi chi tiêu được bao lâu, trong khi nếu còn đất chúng tôi sẽ canh tác, nuôi trồng để sống được tới cuối đời. Là người nông dân sống nhờ vào mấy thước ruộng trông vào đó để sống”. Bà cho biết thêm, trong khi chưa thống nhất phương án đền bù, chính quyền và chủ đầu tư đã cho cưỡng chế đất, khi bà ra giữ đất đã xô xát dẫn tới bà phải nhập viện.
Vì một mét đất được đền bù khi thu hồi không bằng một bát phở, trong khi đó giá bán ra đang được giao gấp nhiều lần, ông Phùng Gia Trung, làng Ý 3, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc cho biết: “Hiện nay trên thị trường người ta đã rao bán những lô đất ở chỗ thu hồi của chúng tôi giá cao lắm, trong khi chúng tôi được đền bù 1 mét đất không đủ mua 1 bát phở. Ruộng chúng tôi được nhà nước chia cho từ những năm 1987, đất nông nghiệp có sổ có số tờ diện tích đầy đủ. Tôi không tán thành giá 83.700.000đ cho một sào này, quá rẻ và không thể nuôi nổi chúng tôi được bao lâu, còn tới cuối đời chúng tôi sống bằng gì?”.
Các văn bản còn chồng chéo, chưa đúng trình tự pháp lý?
Bỗng trở thành một luật sư bất đắc dĩ, chị Phùng Thị Nga, thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã bỏ cả công việc chữa bệnh cứu người của mình để đi khắp các cơ quan chức năng hòng tìm ra câu trả lời cho những người bà con và cho chính gia đình mình.
Ngồi trước đống hồ sơ đã đi gom trong suốt năm qua, chị Nga chỉ ra những điểm chưa theo thủ tục pháp lý của dự án này: “Văn bản 5389/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 31/12/2013 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ở văn bản số 95 ngày 15/1/2013 trên cơ sở xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản 5389 là văn bản cho phép chuyển mục đính sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013 không phải của năm 2018 nên ko thể áp dụng vào năm 2018 để ký quyết định thu hồi đất, mà phải căn cứ vào văn bản 1567/TTG-NN ngày 9/11/2018 cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018 được Bộ Tài nguyên môi trường trình Thủ tướng ở văn bản 5942/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26/10/2018. Căn cứ để bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định là tờ trình số 73 của tỉnh Vĩnh Phúc ngày 18/5/2018 và quyết định quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Yên lạc năm 2018 tại QĐ 983/QĐ _ UBND ngày 24/4/2018”.
Theo đó, chị Nga cũng chỉ ra điểm bất hợp lý khi tại thời điểm QĐ196, QĐ1320 được ký thi các văn bản 1567, văn bản 5942, tờ trình 73, QĐ938 đều chưa đc ký phê duyệt.
Chị Nga cũng chỉ rõ, NQ 38 là Nghị quyết phê duyệt quy hoạch kế hoạch 5 năm kỳ đầu (2011-2015) không phải NQ phê duyệt 5 năm kỳ cuối (2016-2020) vậy tên dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3 không có trong nghị quyết 38.
Một điểm nữa cần được làm rõ là, trong tất cả các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh như NQ49, NQ50 ngày 18/12/2017, NQ9 ngày 9/7/2018 về phê duyệt cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, NQ về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đều không có tên dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3. Ở NQ số 10/NQ-HĐND ngày 9/7/2018, có 1ha chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng ở NQ9 cho phép chuyển mục đích sử dụng lại không có tên dự án này.
Dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại huyện Yên Lạc và thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một dự án có ý nghĩa xã hội, góp phần phát triển tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên ngay từ khi có chủ trương cho tới quá trình thực hiện dự án đã lộ ra quá nhiều bất cập. Người dân hoang mang. Sự việc đã lên đến đỉnh điểm khi chính quyền cưỡng chế, người dân chống đối khiếu kiện đi khắp các cơ quan từ trung ương tới địa phương. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ những khúc mắc, kiến nghị của người dân tạo sự đồng thuận cao trong dư luận địa phương.