Trước đó, ngày 22/12/2021 trong khuôn khổ Kỳ họp lần 5 của Ủy ban Hỗn hợp thực thi VKFTA tại Xơ-un, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thay mặt Chính phủ hai nước ký Công hàm trao đổi sửa đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục 3-A của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Theo phụ lục 3-A sửa đổi nêu trên có một số nội dung mới, trong đó chuyển đổi kỹ thuật danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) thuộc 97 Chương ở cấp độ HS 6 số từ phiên bản HS 2012 sang phiên bản HS 2017.
Sửa đổi tiêu chí xuất xứ hàng hóa tương ứng đối với một số mặt hàng dệt may thuộc các Nhóm 61.01 - 61.17, 62.01 - 62.12 và 62.15 - 62.17.
Công hàm trao đổi kèm danh mục PSR tại Phụ lục 3-A sửa đổi nêu trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2022 sau khi Việt Nam và Hàn Quốc hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết trong nước và thông báo lẫn nhau qua kênh ngoại giao.
Thực hiện cam kết quốc tế và điều chỉnh quy trình cấp C/O mẫu VK theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công thương ký ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định VKFTA.
Thông tư số 09/2022/TT-BCT gồm 2 điều và 1 Phụ lục, trong đó nội dung Phụ lục thay thế toàn bộ Phụ lục II (Quy tắc cụ thể mặt hàng), có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2022.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.