Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp định RCEP giúp củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên khác và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra vì các nền kinh tế trong khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, nhất là trong bối cảnh nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế này, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may cần chủ động thích ứng.
Ông Giang cho rằng, doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm thuế để chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đồng thời, liên kết hình thành các chuỗi cung ứng trong nước và khu vực, nhất là trong khối ASEAN để đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu.
Theo các chuyên gia, với độ lớn về quy mô, RCEP có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng cho rằng, Hiệp định RECP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế về xuất khẩu, đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.