Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1.2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp tháng 1.2023.
Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1.2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương trên phạm vi cả nước chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện. Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV/2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm; nhà nhập khẩu chậm thanh toán; lượng tồn kho tăng cao; dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh gây trở ngại cho việc duy trì sản xuất kinh doanh.
Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn từ quý II/2023 nhờ lạm phát tại các nước đang giảm. Ngoài ra, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng nâng lãi suất từ quý II/2023 và Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19 sẽ giúp các ngành dệt may, sắt thép, hóa chất, caosu, nông sản sẽ có triển vọng xuất nhập khẩu tích cực hơn
.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.
“Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa” - ông Phạm Tuấn Anh thông tin.