Hiện đại hóa các chức năng quản lý
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt tháng 4.2022 (Quyết định số 455/QĐ-TTg).
Tại Chiến lược này, KBNN đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua kho bạc được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
Để thực hiện thành công Chiến lược, Chương trình hành động của Bộ Tài chính đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, đề án. Đó là cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số. Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra; triển khai kiểm toán nội bộ và các nhiệm vụ khác.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chủ trì có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng Chương trình hành động đã được đề ra; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sẵn sàng cho kho bạc số
Thực tế, thời gian qua, KBNN đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả ngân sách, ngân quỹ và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Hiện tại KBNN đang duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách. Đó là hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), giúp kiểm soát chi theo dự toán, tồn quỹ và cam kết chi. Hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN giúp kiểm soát chi dự án theo kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, tổng mức đầu tư dự án, theo hạng mục, hợp đồng, cam kết chi. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận hồ sơ và chứng từ chi điện tử từ đơn vị sử dụng ngân sách. Hệ thống thanh toán điện tử tập trung gồm thanh toán điện tử song phương với ngân hàng thương mại, thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước góp phần nâng cao khả năng quản lý ngân quỹ.
Đặc biệt, KBNN đã liên thông các hệ thống trên để cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là dịch vụ công trực tuyến. Cho đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ giao dịch đạt trên 99,6% và KBNN đang bổ sung các tính năng của chương trình để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Theo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN, giai đoạn 2021 - 2025, toàn bộ hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan. 100% hồ sơ công việc tại KBNN được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 90% hồ sơ công việc giữa các cơ quan nhà nước xử lý trên môi trường mạng. Các chứng từ trong quá trình giao dịch liên quan tới các nghiệp vụ của KBNN sẽ được lưu trữ điện tử.
Bên cạnh đó, KBNN sẽ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhận dạng thông minh và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ cốt lõi. Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ ngân sách, ngân quỹ, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước