Trước thực trạng giá vật tư nông nghiệp liên tục có xu hướng tăng cao, kéo theo giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.
Mặt khác, tác động của dịch bệnh Covid–19 và tình hình chiến sự của Nga – Ukraine khiến giá nhiều loại nông sản giảm nhiều, đầu ra không vững bền, gây thiệt hại về kinh tế khiến nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Chính vì thế, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, sau được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và đến năm 2018 được sửa đổi bằng Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các nghị định này quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.
Nhiều tổ chức tín dụng tham gia cho vay phát triển nông nghiệp
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay.
Trước hết, về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân: Trước tác động của dịch Covid-19, ngay từ khi có dịch, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có hơn 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, không chỉ đối với người nghèo, các trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế.
Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ; hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.
Vì vậy, để thúc đẩy hơn nữa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp phù hợp từng đối tượng khách hàng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Một số ngân hàng trong nước như Agribank, VietinBank, LienVietPostBank,…đã và đang dành một nguồn lực lớn khai thác mảng tín dụng nông nghiệp, trở thành những đơn vị đi đầu trong hoạt động cung ứng vốn cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Kiểm soát chặt tín dụng ở nông thôn tránh biến tướng
Để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen ở vùng nông thôn, NHNN đã có nhiều hành động cụ thể để kiểm soát vấn đề này. Cụ thể:
Về cơ chế chính sách, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh, song song với đó là kiểm soát chặt lĩnh vực này, tránh sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng chính thức, giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn.
NHNN cũng giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ). Đến cuối tháng 4/2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.748 tỷ đồng với 95.948 khách hàng còn dư nợ.
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trải xuống tận từng xã, đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt gần 263 nghìn tỷ đồng, tăng 6,03% so với cuối năm 2021 với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.
Trong thời gian tới, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, nhất là tại khu vực nông thôn.