Tăng tính chủ động, phấn đấu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ
Tại Văn bản số 3684/UBND-TNMT ban hành ngày 4.11 về việc triển khai công tác GPMB thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố nêu, dù đã có các quyết định liên quan đến Dự án thành phần 1.1 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công tác GPMB triển khai dự án, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị được giao nhiệm vụ còn nhiều lúng túng, đề nghị hướng dẫn, giải quyết.
Do đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tăng tính chủ động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao song song với quá trình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1.1 (triển khai đồng thời theo chủ trương được Quốc hội thông qua và Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết), phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng trên địa bàn của từng quận, huyện trước ngày 30.6.2023 và cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn từng quận, huyện trước ngày 31.12.2023.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổng hợp lập, trình thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần 1.1 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 1.2023.
UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để UBND các quận, huyện và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được giao bảo đảm mục tiêu, tiến độ, trong đó, tập trung một số nội dung liên quan đến công tác GPMB.
Trong quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, cần chủ động, tổng hợp báo cáo UBND thành phố giải quyết một cách kịp thời, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
Giải phóng mặt bằng là ưu tiên số một
Đại diện chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ban đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường cùng các địa phương cắm xong 2.000/3.000 mốc chỉ giới, tiến hành bàn giao để GPMB. Dự kiến, công tác cắm mốc giới và bàn giao cho các quận, huyện sẽ hoàn thành trước ngày 15.11. Thời gian phê duyệt phương án cắm mốc của Sở Tài Nguyên và Môi trường đến khi bàn giao cho địa phương sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày.
Công tác GPMB đã được cả 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín triển khai nhanh chóng, linh hoạt, nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Ông Phạm Ngọc Thành - Đội trưởng xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho biết, ngay sau khi có chủ trương của thành phố, huyện Thường Tín đã tổ chức họp, thông tin và lấy ý kiến đóng góp của người dân. Những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4 rất đồng thuận với chính sách đền bù, công tác đo đạc, cắm mốc chỉ giới đã được thực hiện xong.
Tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, trong tháng 10 vừa qua đã tổ chức di dời được 18 ngôi mộ (tại thôn Kim Tiền) nằm trong chỉ giới đường đỏ để GPMB, phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường chia sẻ, sau thời gian tích cực vận động, tuyên truyền, hầu hết Nhân dân trong xã đã đồng thuận và nhận thức vai trò quan trọng, thiết yếu của tuyến đường. Nhờ có sự nhất trí, ủng hộ của người dân, việc di chuyển mồ mả, phục vụ công tác GPMB đã có kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, còn rất nhiều khó khăn phía trước mà Hà Nội cần đột phá. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý, công tác GPMB là ưu tiên số một hiện nay. Đặc biệt trong phạm vi dự án Vành đai 4 có tới hàng vạn ngôi mộ cần di dời. Bởi vậy, thành phố đã yêu cầu 7 quận, huyện nhanh chóng xây dựng các khu nghĩa trang mới để chuẩn bị vận động người dân di chuyển mồ mả.