Theo các chuyên gia, phân khúc BĐS công nghiệp ở Bình Dương có triển vọng tốt nhờ xu hướng đa dạng hóa sản xuất và thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Các khu vực vệ tinh như Bình Dương sẽ là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư lớn từ các nước như Hà Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…
Được biết, một trong những dự án nổi bật trong dòng chảy vốn FDI vào Bình Dương vừa qua là dự án xây dựng nhà máy của Tập đoàn Lego với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Mới đây, Tập đoàn Pandora cũng công bố xây dựng một cơ sở chế tác trang sức với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD tại tỉnh này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, tính đến ngày 31/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Bình Dương đạt 2,5 tỷ USD. Phân theo lĩnh vực, kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn 964,1 triệu USD, chiếm 38,42% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đang phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Các khu công nghiệp ngày càng mở rộng đem đến cho Bình Dương nhiều cơ hội phát triển.
Với đặc trưng thu hút nhiều tập đoàn quốc tế và lượng lớn người nhập cư về làm việc tại các khu công nghiệp, thị trường căn hộ Bình Dương ngày càng sôi động. Hiện, loại hình căn hộ cao cấp phục vụ nhu cầu an cư và đầu tư cho thuê hướng đến các chuyên gia nước ngoài luôn được săn đón.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ trong các khu vực lân cận TP.HCM, Bình Dương trở thành “vùng trũng” thu hút dòng vốn đầu tư trong những năm gần đây bởi hàng loạt lợi thế về vị trí, hạ tầng và đặc biệt giá BĐS lại rất “dễ thở”.