Thỏa thuận từng được ký vào tháng 7 này đã tạo ra một hành lang vận chuyển đường biển và đã giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khi cho phép xuất khẩu nông sản trở lại từ ba cảng ở Ukraine - một trong những nước sản xuất ngũ cốc và hạt dầu lớn nhất thế giới.
"Tôi hoan nghênh thỏa thuận của tất cả các bên nhằm tiếp tục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine một cách an toàn", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.
Ông Guterres nói thêm rằng LHQ cũng "hoàn toàn cam kết loại bỏ những trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Liên bang Nga" - một phần của thỏa thuận mà Nga coi là quan trọng.
Tuy nhiên, thời gian gia hạn của thỏa thuận chỉ kéo dài 120 ngày, ít hơn so với thời gian một năm mà cả LHQ và Ukraine mong muốn trước đó.
Sự sụt giảm các chuyến hàng từ Ukraine do cuộc xung đột với Nga vào tháng 2 đã đóng một vai trò lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu 2022, bên cạnh hệ quả từ đại dịch COVID và một số vấn đề khác.
Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực vào tháng 7, khoảng 11,1 triệu tấn nông sản của Ukraine đã được vận chuyển đến các nơi trên thế giới, bao gồm 4,5 triệu tấn ngô và 3,2 triệu tấn lúa mì.
Giá lúa mì trên Sàn giao dịch thương mại Chicago giảm sau thông tin thỏa thuận được gia hạn. Một thương nhân người Pháp cho biết: “Đây là xu hướng giảm giá đối với thị trường vì nó loại bỏ những nghi ngờ và chúng ta có sự chắc chắn hơn trong 4 tháng tới”.