Sáng 8/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP HCM khoá X đã thông qua chủ trương đầu tư hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn làm cơ sở trình Thủ tướng quyết định.
Dự kiến nguồn vốn của hai công trình đều sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Trong đó, dự án tại kênh Tham Lương - Bến Cát kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng, gồm gần 6.700 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, 116 tỷ đồng viện trợ không hoàn lại, số còn lại do thành phố đối ứng.
Công trình có mục tiêu chống ngập và thoát nước cho gần 4.500 ha các khu vực quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân. Nước thải từ đây được dẫn về nhà máy xử lý ở lưu vực Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 công suất đạt 250.000 m3). Đơn vị thi công cũng xây cống ngăn triều và tạo cảnh quan cho lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Đối với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn tổng vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó hơn 6.900 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, số còn lại do thành phố đối ứng. Công trình tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước thải và thoát nước chung; xây giếng tách dòng và hệ thống cống bao dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát đến cuối lưu vực Tây Sài Gòn; tuyến ống truyền tải từ lưu vực Tây Sài Gòn về nhà máy xử lý nước thải tập trung và hạ tầng phục vụ quản lý thoát nước và nước thải.
Tổng nguồn vốn từ ngân sách thành phố cho hai dự án là hơn 2.500 tỷ đồng, được cân đối từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Cả hai công trình dự kiến thực hiện từ năm 2023 và hoàn thành sau 5 năm.
Kỳ họp này, HĐND TP. HCM cũng thông qua 16 nghị quyết về điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, chủ đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện đối với 16 dự án cầu đường, trường học. Trong đó, nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư gấp đôi, gấp ba, gấp tư so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Tổng mức đầu tư 16 dự án được điều chỉnh tăng lên hơn 6.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chính của việc điều chỉnh các dự án là những vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.