Theo đó, thành phố sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động giải quyết khó khăn, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay UBND thành phố để xem xét, tháo gỡ.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố xác định đẩy mạnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Để kế hoạch đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, công tác giải ngân vốn đầu tư công phải bảo đảm đúng thời gian, tránh tình trạng “ngâm vốn”.
Theo báo cáo, năm 2021, với các nỗ lực, giải pháp mà các ngành, các cấp thành phố đã thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương của TP.HCM đạt là 85,27% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2021, chưa đạt yêu cầu.
Năm 2022, TP.HCM sẽ bố trí hơn 44.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm nguồn vốn trung ương (hơn 2.479 tỷ đồng) và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước của thành phố (hơn 42.500 tỷ đồng).
Nguyên nhân giải ngân chậm bởi Thành phố phải tập trung nguồn lực ngân sách để phục vụ công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân.
Bên cạnh đó, quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA của Chính phủ và nhà tài trợ chưa hài hòa, còn tồn tại những sự khác biệt chậm được xử lý đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chưomg trình và dự án ODA...
Việc chậm trễ là do một số vướng mắc, chưa thống nhất trong các quy định liên quan vốn đầu tư công, vốn nước ngoài, giữa quy định pháp luật liên quan quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với chính sách của các nhà tài trợ nước ngoài.
Mặt khác, giá đất trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM có sự biến động mạnh trong khi quy trình thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng còn phức tạp và kéo dài, dẫn đến phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được phê duyệt nhưng khó khả thi trên thực tế, chưa nhận được sự đông thuận của người dân. Điều này dẫn tới các dự án có vốn đầu tư công bị ách tắc.
Nguyên nhân chủ quan cũng được đề cập là do số lượng và năng lực cán bộ tham gia quản lý và thực hiện tham mưu trong lĩnh vực đầu tư công (đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA) còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu của TP.HCM.
Năng lực của một số nhà thầu, các nhà tư vấn trong nước và quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chuyên gia tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm và chưa am hiểu tình hình thực tế Việt Nam…
Tập trung vào các dự án có khả năng giải ngân cao
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thành phố có gần 2.000 dự án ở cấp thành phố và cấp quận, huyện nên cần rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, công khai minh bạch và đúng mức độ ưu tiên. Thông thường từ quý II trở đi, khi công tác chuẩn bị đầu tư đầy đủ hơn thì tiến độ giải ngân sẽ nhanh hơn. Cuối tháng 6/2022, thành phố phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 40%.
Để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố, các chủ đầu tư trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; Theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; báo cáo ngay với UBND TP.HCM tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
“Căn cứ tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải có kế hoạch điều chuyển vốn của các dự án có năng lực giải ngân thấp, sang dự án có khả năng giải ngân cao trong năm, đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao và giải ngân có hiệu quả”, ông Mãi yêu cầu.
Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề xuất Quốc hội cho phép ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ thì Thành phố được phép chủ động quyết định việc bổ sung tồng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành quỵ định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án xã hội hóa; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc khó khăn của các dự án PPP về thẩm quyền phê duyệt dự án nằm giữa 2 tỉnh, bổ sung quy định cho các hợp đồng BT đã ký được xử lý chuyển tiếp...
4 tháng đầu năm nay, báo cáo của Cục Thống kê TP. HCM cho biết, các khoản giải ngân gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn. Trong đó, cấp thành phố ước thực hiện 4.346 tỷ đồng, chiếm 71,7%, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021; cấp quận huyện ước thực hiện 1.716 tỷ đồng, chiếm 28,3% và giảm 22,9%.
Riêng trong tháng 4/2022, khối lượng thực hiện được khoảng 2.280 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước và giảm 7,7% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng giảm 6,6%. Nguyên nhân giảm chủ yếu do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, trình tự thủ tục kéo dài, giá vật tư tăng cao, dẫn đến nhiều dự án thi công chững lại…