Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam
Vượt lên những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng của Việt Nam vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22,15 tỷ USD. Đánh giá về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, với các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Kết quả này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam. Có thể thấy, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra chỉ mang tính thời điểm.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH |
Đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp FDI cho biết vẫn tin tưởng và tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Samsung Việt Nam vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy tại TP Hồ Chí Minh sớm hoạt động trở lại, công ty sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay. “Dịch Covid-19 gây ra những khó khăn nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Ngoài ra, thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho thông tin.
Nhấn mạnh quan điểm nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, Tập đoàn Nestlé vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong hai năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay, cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé.
Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Thủ tướng đã liên tục tổ chức các cuộc họp lắng nghe kiến nghị của các nhà đầu tư, giao các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Đồng Nai là một trong những địa phương chịu tác động lớn của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, song tổng số vốn FDI đầu tư thu hút, cấp mới của Đồng Nai trong 9 tháng qua vẫn tăng 25% so với cùng kỳ. Chia sẻ kinh nghiệm thu hút dòng vốn ngoại, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng cũng như các nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đồng hành, gỡ khó cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai quan tâm phát triển các khu công nghiệp đồng bộ với phát triển hệ thống giao thông.
Bắc Ninh cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Chia sẻ kinh nghiệm thu hút FDI của Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhờ có những chính sách phù hợp nên nhiều tập đoàn xuyên quốc gia của thế giới đã đầu tư tại Bắc Ninh. Thực hiện định hướng về thu hút FDI, Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”. Trong đó, “2 ít” là ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động; “3 cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; về “4 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp FDI phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, nguồn vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Đại dịch Covid-19 tạo sức ép để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam.