Theo đó, để đảm bảo tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp thọ Lộc (giai đoạn 1) sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; theo đề nghị của Công ty TNHH VSIP Nghệ An về việc khảo sát mỏ đất tại xã Diễn Phú và Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An) với diện tích 46,54ha.
Theo đó, trong lần khảo sát thứ nhất vị trí mỏ đất nằm trên một phần dãy núi phía Tây Bắc, Tây và Tây Nam. Ở phía Đông Bắc, Đông và Đông Namcuar khu vực khảo sát có các hộ dân sinh sống ở chân núi và vùng đất bằng phẳng gần chân núi. Khoảng cách từ khu dân cư đến biên giới mỏ đất khoảng 150m.
Tuy nhiên, sau khi đưa ra đề xuất trên đã bị người dân các xóm 6 của xã Diễn Lợi và xóm 9 xã Diễn Phú không đồng tình và đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Nghệ An vì lo sợ ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực dân cư.
Đứng trước những băn khoăn của người dân và sau khi nghiên cứu các ý kiến của các cơ quan chức năng. Công ty TNHH VSIP Nghệ An đã cùng với đơn vị tư vấn đã phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát lại và đề xuất điều chỉnh phương án quy hoạch mỏ đất theo hướng phù hợp hơn.
Theo đó, khu vực điều chỉnh vị trí đề xuất quy hoạch chỉ còn ở địa phận xã Diễn lợi, các vị trí sẽ giáp với rừng sản xuất của người dân và khoảng cách từ ranh giới khu vực đề xuất điều chỉnh đến khu dân cư hiện hữu là 500m tăng hơn so với phương án đề xuất đầu từ 300 – 350m. và ranh giới được dịch chuyển hẳn sang sườn phía Tây. Với vị trí điều chỉnh này, công tác khai thác sẽ thuận lợi hơn vì có độ dốc thấp, hạn chế sạt lở và ít tác động hơn tới khu dân cư hiện hữu ở chân đồi phía Đông.
Trao đổi với Phóng viên, Đại diện Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết “Sau khi nắm bắt được ý kiến của người dân, phía VSIP ngay lập tức đã yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát lại và đưa ra phương án để ít tác động tới người dân nhất. Quan điểm của VSIP là vì cuộc sống của người dân và coi lợi ích của người dân là trên hết. VSIP hi vọng người dân sẽ đồng hành với VSIP để góp phần xây dựng quê hương phía nam Diễn Châu ngày càng tốt đẹp hơn”.
Với nỗ lực hạn chế cao nhất những ảnh hưởng tới cuộc sống chất lượng của người dân, sắp tới đây, Công ty TNHH VSIP Nghệ An sẽ tiến hành về lấy ý kiến của người dân và mời người dân thăm quan khu mỏ đất san lấp của VSIP tại khu vực Eo Gió, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên, Nghệ An). Và qua đó, Công ty sẽ tiếp thu ý kiến của người dân và thậm chí phía đơn vị cũng sẽ giảm diện tích xuống thêm nữa để người dân an tâm về cuộc sống, vị đại diện của VSIP cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam cho biết: Dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc là dự án trọng điểm của tỉnh và Khu kinh tế Đông Nam. Đề nghị chính quyền địa phương cần tập trung hỗ trợ quyết liệt tạo điều kiện tốt nhất cho Công ty TNHH VSIP Nghệ An trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH VSIP Nghệ An và đơn vị tư vấn phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định lại phạm vi ranh giới khu vực đề nghị quy hoạch mỏ đất.
Hi vọng, cùng với nỗ lực của chủ đầu tư, sự hỗ trợ, hợp tác của các cấp chính quyền, các bên liên quan và nhất là người dân, nơi đây sẽ trở thành một trong những khu công nghiệp, văn minh, hiện đại góp phần nâng cao kinh tế và đưa Nghệ An phát triển.
Trước đó, vào ngày 5/9, trong chương trình thăm và làm việc tại Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghiệp VSIP. Tại đây, Chủ tịch nước đã biểu dương, đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng của nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng một khu công nghiệp xanh với nhiều dự án công nghệ cao. Thành công của nhà đầu tư đã góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch nước đề nghị VSIP cố gắng hơn nữa, thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, phát triển bền vững, đóng góp thêm nhiều giá trị cho tỉnh Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, phấn đấu trở thành một trong những khu công nghiệp nổi tiếng của Việt Nam ở khu vực miền Trung.